Đau Lưng, Mỏi Gối, Tê Tay: Dấu Hiệu Bệnh Lý Nguy Hiểm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đau lưng mỏi gối tê tay là những triệu chứng về xương khớp khá phổ biến. Thường xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột, sau chấn thương hoặc là dấu hiệu của bệnh lý.

Đau lưng mỏi gối tê tay
Đau lưng mỏi gối tê tay gây là những triệu chứng xương khớp xuất hiện cùng lúc cảnh báo các bệnh lý đáng lo ngại

Dấu hiệu nhận biết đau lưng mỏi gối tê tay

Đau lưng mỏi gối tê tay thường xuất hiện cùng nhau tại một thời điểm hoặc một khoảng thời gian nhất định. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt ở người lớn tuổi. Dưới đây là 5 triệu chứng nhận biết cụ thể: 

  • Đau lưng trên: Xuất hiện cảm giác đau mỏi lưng, ngứa ran và khó chịu như bị kim đâm, co siết chặt. Cơn đau thường diễn ra âm ỉ hoặc bộc phát dữ dội, sau đó lan dần xuống các bộ phận xung quanh như ngực, vai, cổ, cánh tay và vùng thân dưới. Mức độ đau ngày càng tăng lên khi vận động mạnh, kèm theo triệu chứng tê ngứa, nóng ran. 
  • Đau lưng giữa: Cơn đau lưng xuất hiện vùng giữa lưng, có thể lệch sang bên trái hoặc phải. Một số trường hợp đau chính giữa dọc theo sống lưng và tồn tại ở vùng ngực trong vòng vài ngày, thậm chí vài tuần. 
  • Đau lưng dưới: Hay còn được gọi là đau thắt lưng với các cơn đau nằm ở vị trí 1/3 vùng lưng dưới, chính giữa hoặc 2 bên cột sống thắt lưng, giữa hai gai mào chậu. Cơn đau vùng thắt lưng thường xảy ra do thay đổi tư thế đột ngột, ho hoặc hắt hơi mạnh, kèm theo sưng viêm, tê buốt và sốt cao.
  • Mỏi gối: Cơn đau buốt dọc từ thắt lưng cột sống xuống mông, lan ra mặt sau của đùi và hai chân khiến người bệnh dễ bị sưng đau, nhức mỏi và nóng rát tại vùng dưới đầu gối. Một số trường hợp còn tạo ra âm thanh lục cục khi cử động, đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh đã ở mức nặng, đe dọa khả năng vận động nếu không điều trị kịp thời. 
  • Tê tay: Hầu hết người bệnh đau lưng và mỏi gối thường kèm theo tê tay. Triệu chứng này được miêu tả giống như cảm giác châm chích do kiến cắn, khiến tay bị yếu đi, giảm sức mạnh, hạn chế khả năng cử động, cầm nắm cùng nhiều hoạt động khác. Nếu không được can thiệp xử lý, cơn tê bì sẽ kéo dài và dần lan rộng ra dọc theo cánh tay. 

Nguyên nhân gây đau lưng mỏi gối tê tay

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau lưng mỏi gối tê tay khác nhau. Về cơ bản các chuyên gia chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính gồm các nguyên nhân tác động cơ học và các bệnh lý: 

Các tác nhân cơ học

Một số yếu tố cơ học có khả năng làm khởi phát triệu chứng đau lưng mỏi gối tê tay như: 

1. Làm việc quá sức, căng thẳng quá mức

Những người thường xuyên làm các công việc đòi hỏi sức mạnh như khuân vác, bưng bê vật nặng… hoặc các công việc có tính chất căng thẳng quá mức đều có thể gây ra tổn thương xương khớp. Kéo theo đó là triệu chứng giãn cơ, chèn ép dây thần kinh và khởi phát đau lưng mỏi gối tê tay. 

2. Thời tiết chuyển lạnh

Theo lý giải của các chuyên gia, hệ tuần hoàn máu rất dễ chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ từ môi trường bên ngoài. Khi nhiệt độ xuống thấp, tuần hoàn máu đến các dây thần kinh, cơ xương khớp chậm lại và gây ra các triệu chứng khó chịu như đau lưng, mỏi gối, tê tay. 

3. Thừa cân, béo phì

Trọng lượng cơ thể vượt quá mức chịu đựng của cột sống và khớp gối là nguyên nhân phát sinh triệu chứng xương khớp. Lúc này, dây thần kinh bị chèn ép, căng thẳng quá mức và gây ra đau nhức, tê bì, căng cứng rất khó chịu, ảnh hưởng đáng kể đến các vận động, sinh hoạt hàng ngày. 

Đau lưng mỏi gối tê tay
Thừa cân béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây đau lưng mỏi gối tê tay

4. Duy trì lâu một tư thế

Thường xuyên ngồi một chỗ để làm việc hoặc lười vận động là những đối tượng có nguy cơ cao bị đau lưng mỏi gối tê tay. Hoặc vận động sai tư thế như bắt chéo chân, khom lưng, ngồi xổm, mang vác đồ vật không đúng cách… ảnh hưởng đến hệ xương khớp, chèn ép các dây thần kinh và phát sinh đau nhức. 

5. Ăn uống thiếu chất, suy nhược cơ thể

Chế độ dinh dưỡng kém khoa học, không bổ sung đủ các dưỡng chất cần thiết như vitamin, khoáng chất là nguyên nhân hàng đầu gây ra các triệu chứng về xương khớp. Vì khi thiếu chất, quá trình tuần hoàn máu kém khiến hệ thống thần kinh, các khớp xương, gân cơ bị căng thẳng quá mức, dẫn đến đau nhức, tê bì khó chịu. 

Bên cạnh đó, ăn uống thiếu chất cũng là nguyên nhân gây suy nhược cơ thể. Tình trạng này được biểu hiện thông qua triệu chứng đau lưng, đầu gối khó cử động, tê bì tay chân, mỏi cơ, chán ăn, mất ngủ… kéo dài. 

6. Phụ nữ sau sinh

Một thống kê cho thấy có đến khoảng 50% phụ nữ sau sinh bị đau lưng, mỏi gối, tê tay trong vòng 1 – 2 tháng đầu. Đây là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể do sự ảnh hưởng của nội tiết tố.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp triệu chứng này kéo dài dai dẳng sau 1 – 3 năm sinh con. Lúc này, tốt nhất chị em nên chủ động thăm khám tại bệnh viện để tìm ra nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời.  

7. Trầm cảm

Trầm cảm là một trong những bệnh về tâm lý khá phổ biến. Bệnh lý này khiến chức năng hoạt động thần kinh não bộ bị rối loạn. Bệnh không chỉ được biểu hiện thông qua các triệu chứng về tâm lý mà còn kèm theo các biểu hiện ở một số cơ quan khác như xương khớp, tim, gan, phổi, dạ dày, mạch máu. Và trong đó, đau lưng mỏi gối tê tay là triệu chứng xương khớp thường gặp nhất. 

8. Lão hóa do tuổi tác

Tuổi tác là yếu tố gây tác động lớn đến tình trạng sức khỏe xương khớp. Bởi tuổi càng cao quá trình lão hóa càng nhanh và đây cũng là lý do vì sao người cao tuổi lại là đối tượng dễ gặp các triệu chứng đau nhức mỏi, tê bì tay chân và nhiều bệnh lý xương khớp khác. 

Nguyên nhân bệnh lý

Các trường hợp bị đau lưng mỏi gối tê tay không có sự xuất hiện của các yếu tố cơ học sẽ được chẩn đoán dựa theo các dấu hiệu bệnh lý phổ biến. Có thể kể đến như: 

1. Các bệnh về cơ xương khớp

Có thể kể đến một số bệnh như:

Thoát vị đĩa đệm

Đây là tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí ban đầu, chúng chèn ép các rễ dây thần kinh và ống sống gây ra đau lưng. Các trường hợp xuất hiện cùng lúc 3 triệu chứng đau lưng, mỏi gối, tê tay có thể được chẩn đoán là thoát vị đĩa đệm đa tầng, tức là có ít nhất 2 đĩa đệm trên cột sống bị thoát vị. 

Thoái hóa cột sống

Cột sống con người là bộ phận dễ bị thoái hóa theo thời gian hoặc tổn thương do các chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày. Đĩa đệm ngày càng bị bào mòn, mất đi độ đàn hồi khiến các dây chằng bao khớp bị xơ cứng và làm mất đường cong sinh lý của cột sống. 

Lúc này, người bệnh sẽ phải đối mặt với hàng loạt các triệu chứng như đau lưng, mỏi gối, tê tay âm ỉ trong nhiều ngày. Thậm chí mức độ đau ngày càng có xu hướng tăng nặng khi vận động. 

Đau lưng mỏi gối tê tay
Thoái hóa cột sống thắt lưng gây đau lưng kèm theo mỏi gối, tê tay, cản trở khả năng vận động

Viêm khớp dạng thấp

Bệnh lý này đặc trưng bởi triệu chứng sưng đỏ và đau nhức các khớp, đặc biệt là khớp lưng, khớp gối, khớp bàn tay, bàn chân… Viêm khớp dạng thấp không quá nguy hiểm, có thể điều trị kiểm soát triệu chứng và phục hồi khả năng vận động, không đe dọa tính mạng.

Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây đau nhức kéo dài, hạn chế khả năng vận động và phát sinh nhiều biến chứng về tim mạch, phổi, thần kinh, xương hoặc mắt. 

Nhiễm trùng khớp

Một số nghiên cứu về triệu chứng đau lưng mỏi gối tê tay cho thấy cứ 4 trường hợp thì có 1 người mắc bệnh do nhiễm trùng khớp. Loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất là Propionibacterium và khuẩn Coryne propinquum. Chúng xâm nhập, tấn công trong điều kiện lượng máu, oxy không cung cấp đủ cho xương, gây ra các biến đổi về cấu trúc và gây đau nhức, mỏi gối và tê bì khớp lưng, tay. 

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là căn bệnh điển hình đặc trưng với triệu chứng đau lưng, mỏi gối, tê tay. Có rất nhiều dạng như thoái hóa khớp gối, khớp cổ tay, đốt sống cổ, khớp cùng chậu… Ngoài các triệu chứng này, người bệnh còn phải đối mặt với tình trạng căng cứng khớp, yếu cơ, teo sợi cơ, hạn chế cử động… 

Loãng xương

Đây là bệnh lý về rối loạn chuyển hóa xương làm giảm chất lượng, cấu trúc và mật độ xương, khiến xương giòn, yếu và dễ gãy. Phần lớn các trường hợp bệnh đều là người cao tuổi. Các triệu chứng đặc trưng như đau nhức lưng, tê bì chân tay, mỏi gối, đau dây thần kinh tọa, đau dây liên sườn, giảm chiều cao, gù lưng… 

Viêm bao hoạt dịch khớp

Có thể nói rằng đau lưng mỏi gối tê tay chính là hệ quả của bệnh viêm bao hoạt dịch khớp. Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với hàng loạt các triệu chứng khác như sưng khớp, nóng đỏ do ứ dịch, tràn dịch khớp, hạn chế khả năng vận động. 

Bệnh đa xơ cứng

Đây là bệnh mãn tính gây ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh trung ương, xảy ra do tổn thương lớp vỏ bao quanh sợi thần kinh não và tủy sống. Bệnh được biểu hiện thông qua nhiều triệu chứng như đau lưng, mỏi gối, tê bì tay, co thắt cơ lưng, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, táo bón, tiểu không kiểm soát, thay đổi tâm trạng….

Viêm gân bánh chè

Đây là một trong những bệnh lý gây ra chứng tê đầu gối phổ biến, kèm theo đau lưng và tê tay. Chủ yếu xảy ra ở những người bị thoái hóa khớp, thường xuyên chơi thể thao quá mức, thích vận động… 

2. Các bệnh về thận, đường tiết niệu, sinh lý

Suy yếu chức năng thận khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị gián đoạn. Trong đó thận thận yếu khiến các mao mạch máu tích tụ độc tố, rối loạn chất điện giải và gây ra hàng loạt các bệnh lý như:

  • Sỏi thận, thận hư, nhiễm trùng thận;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu; 
  • Sinh lý yếu; 

Điểm chung của các bệnh lý này đều gây ra đau lưng mỏi gối và tê bì chân tay, dễ lạnh tứ chi, sợ nước, rùng mình, khó ngủ, mất ngủ, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, tiểu nhiều về đêm, tiểu rát, tiểu buốt, tiểu ra máu… Khi gặp các dấu hiệu này, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám ngay. 

3. Các bệnh về huyết học và rối loạn chuyển hóa

Thiếu máu là bệnh lý phổ biến, xảy ra thiếu hụt hồng cầu làm giảm oxy. Các biểu hiện thường gặp nhất của thiếu máu là mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, da dẻ xanh xao, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, phụ nữ dễ bị vô kinh… và đặc biệt là triệu chứng đau lưng mỏi gối tê tay. 

Đau lưng mỏi gối tê tay
Đau lưng mỏi gối tê tay kèm theo mệt mỏi, suy nhược là dấu hiệu của các bệnh về huyết học, rối loạn chuyển hóa

Ngoài ra, một số trường hợp thường xuyên vị đau lưng, mỏi gối, tê tay do có liên quan đến một số bệnh lý chuyển hóa, rối loạn hàm lượng đường, các chất điện giải, vi chất trong cơ thể. Có thể kể đến các bệnh lý như:

  • Đái tháo đường
  • Rối loạn các chất điện giải
  • Tăng Lipid máu
  • Rối loạn mỡ máu
  • Nhiễm độc;

Ngoài ra, một số bệnh phụ khoa như viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung… cũng gây ra triệu chứng đau lưng, nhức mỏi và tê bì gối, tay chân. Bởi cột sống là bộ phận chịu áp lực đè nén do bệnh phát triển, gây ra những cơn đau nhức kéo dài âm ỉ. 

Biện pháp chẩn đoán bệnh từ tình trạng đau lưng mỏi gối tê tay

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra triệu chứng đau lưng mỏi gối tê tay. Điều này rất khó để tìm ra đâu là nguyên nhân chính xác nếu chỉ thông qua quan sát triệu chứng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất bằng các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu, nước tiểu; 
  • Đo điện cơ;
  • Chụp X quang; 
  • Chụp cộng hưởng từ MRI;
  • Chụp cắt lớp vi tính CT Scan;; 
  • Xạ hình xương;

Các phương pháp điều trị đau lưng mỏi gối tê tay hiệu quả

Đau lưng mỏi gối tê tay là các triệu chứng có thể điều trị được nếu xác định đúng nguyên nhân gây ra. Tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp với các phương pháp sau: 

1. Tự điều trị tại nhà

Tự điều trị tại nhà chủ yếu tập trung vào các biện pháp giảm đau, ngăn chặn diễn tiến của bệnh và hỗ trợ phục hồi nhanh hơn, an toàn. Một số trường hợp bị đau lưng mỏi gối tê tay do các yếu tố cơ học thậm chí có thể được điều trị khỏi bằng các giải pháp đơn giản này:

Massage xoa bóp

Các động tác massage, xoa bóp nhẹ nhàng tại các vị trí đau nhức, tê bì có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, thư giãn xương khớp, đốt sống, gân cốt và giải phóng áp lực ở dây thần kinh. Đồng thời, các động tác massage còn giúp tăng độ đàn hồi, tính linh hoạt và duy trì khả năng vận động. 

Chườm nóng/ chườm lạnh

Đây là 2 liệu pháp nhiệt đem lại hiệu quả cải thiện đau nhức, tê bì, nhức mỏi xương khớp hiệu quả. Tùy theo loại tổn thương và mục đích điều trị để chọn liệu pháp phù hợp. Cụ thể: 

Đau lưng mỏi gối tê tay
Chườm nóng giúp thư giãn các đốt sống, giảm đau lưng, đau mỏi gối, tê bì chân tay
  • Chườm nóng: Nhiệt nóng có tác dụng làm giãn cơ khớp, giải phóng áp lực chèn ép lên các dây thần kinh, kích thích tăng cường tuần hoàn máu và giảm đau hiệu quả. Liệu pháp này thích hợp dùng cho những người có triệu chứng đau mỏi, tê bì kèm theo cứng khớp. 
  • Chườm lạnh: Nhiệt lạnh có khả năng làm co mạch, ức chế khả năng cảm thụ cơn đau, giảm sưng viêm và vết bầm ngoài da cho chấn thương. Vì vậy, liệu pháp này phù hợp với những người bị đau lưng mỏi gối tê tay có liên quan đến các vấn đề sưng viêm khớp. 

Tập luyện nhẹ nhàng

Một số động tác nhẹ nhàng, dùng sức vừa phải giúp tác động trực tiếp đến các cơ khớp bị đau nhức, tê bì, tăng cường lưu thông máu và đẩy lùi triệu chứng nhanh chóng. Đặc biệt, chúng còn hỗ trợ phục hồi khả năng vận động hiệu quả. Dưới đây là một số bài tập đơn giản:

  • Bài tập cúi gập người; 
  • Nghiêng đầu, ngửa đầu, gập đầu; 
  • Xoay khớp gối; 
  • Xoay cổ tay, cổ tay, vai; 

Điều chỉnh sinh hoạt

  • Ngưng tạm thời mọi hoạt động, công việc và dành thời gian nghỉ ngơi. Hãy nằm ngửa để thư giãn, kê gối mềm đầu gối và nằm nệm cứng để giữ cho cột sống được thẳng. 
  • Hạn chế các cử động đột ngột trong lúc triệu chứng đang bùng phát, đặc biệt tránh quan hệ tình dục trong thời gian này hoặc quan hệ nhẹ nhàng nếu có thể. 

2. Điều trị nội khoa

Sau khi áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng tại nhà nhưng không thuyên giảm, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các biện pháp y tế chuyên sâu hơn như: 

Dùng thuốc Tây

Dùng thuốc là giải pháp điều trị phổ biến và được ưu tiên hơn hẳn nhờ đem lại hiệu quả cao, nhanh chóng và tiện lợi, không tốn nhiều thời gian. Dựa vào mức độ triệu chứng mà bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng các loại thuốc phù hợp. Các loại thường dùng nhất là: 

  • Nhóm thuốc giảm đau thông thường;
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs); 
  • Thuốc giảm đau gây nghiện Opioid; 
  • Thuốc tiêm Corticosteroid; 

Hầu hết các loại thuốc trên đều là thuốc giảm đau và điều trị triệu chứng là chính. Chỉ sử dụng trong thời gian ngắn và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Tránh lạm dụng quá mức 

Vật lý trị liệu

Bản chất của đau lưng, mỏi gối, tê tay là hiện tượng tổn thương và có sự sai lệch về cấu trúc cột sống, chèn ép rễ thần kinh gây mất cân trong cơ thể. Để xử lý tình trạng này, cần có những tác động nắn chỉnh, điều chỉnh sai lệch về vị trí ban đầu, giải phóng chèn ép đường truyền dây thần kinh. 

Đau lưng mỏi gối tê tay
Vật lý trị liệu giúp giảm đau lưng, mỏi gối, tê tay, kích thích phục hồi tổn thương và bảo vệ chức năng xương khớp, cột sống

Dựa theo nguyên lý trên, vật lý trị liệu chính là giải pháp hiệu quả được các chuyên gia chỉ định. Tác dụng kích thích cơ chế tự phục hồi, sửa chữa và tái tạo các mô cơ, giảm đau, sưng viêm xương khớp. Tùy theo từng hợp cụ thể mà chọn lựa phương pháp áp dụng phù hợp: 

  • Vật lý trị liệu bằng các thiết bị máy móc hiện đại như máy kéo giãn giảm áp cột sống, sóng xung kích, tia laser cường độ cao, điện xung…;
  • Kết hợp các bài tập vật lý trị liệu đơn giản như bài tập giãn cơ, co chân, xoay cổ tay, đầu gối, cúi gập người…; 

3. Điều trị ngoại khoa 

Phương pháp này chỉ được áp dụng cho những trường hợp bị chấn thương nghiêm trọng hoặc có biến chứng không thể phục hồi, không đáp ứng điều trị với các biện pháp bảo tồn. Phẫu thuật nhằm mục đích sửa chữa, loại bỏ tổn thương, giải phóng chèn ép trên các dây thần kinh và phục hồi chức năng cột sống, xương khớp. 

Hầu hết các trường hợp mắc các bệnh nghiêm trọng, sau khi can thiệp ngoại khoa có thể chữa khỏi bệnh dứt điểm. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp điều trị ngoại khoa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, xuất huyết… Ngoài ra, chi phí phẫu thuật cũng khá cao nên người bệnh phải hết sức cân nhắc khi áp dụng phương pháp này. 

4. Chữa trị theo Đông y

Theo Y học cổ truyền, khi cơ thể bị tác động bởi nhiệt lạnh từ bên ngoài, còn được gọi là “ngoại hàn xâm nhập huyết khí suy” và tích tụ lâu ngày sẽ khiến lưng đau nhức, tê mỏi gối và tê bì tay chân. Ngoài ra, triệu chứng này còn phản ánh tình trạng yếu sinh lý do thận hư. 

Điều trị tình trạng này theo Đông y dựa theo nguyên tắc xử lý căn nguyên gây bệnh từ bên trong cơ thể, kết hợp phục hồi chức năng toàn diện và bồi bổ sức khỏe, phòng ngừa tái phát. Để có phác đồ điều trị cụ thể, phù hợp với tình trạng bệnh tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở Đông y cổ truyền uy tín. 

Gợi ý 2 bài thuốc Đông y chữa đau lưng mỏi gối tê tay hiệu quả: 

Trường hợp do thận hư, sinh lý yếu

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị thỏ ty tử và kỷ tử mỗi loại 15g, nhục thung dung, tiên mao, dâm dương hoắc, sơn thù, hoài sơn, phụ tử chế, phúc bồn tử, ngũ vị tử và nhục quế mỗi loại 10g. Mỗi ngày sắc 1 thang dùng liên tục cho đến khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm. 
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị thục địa, kỷ tử, hoàng kỳ, hoàng tinh, thỏ ty tử và tử hà xa mỗi loại 15g, đẳng sâm, a giao, đường quy, bạch truật, bạch linh và bạch thược mỗi loại 10g cùng 3g cam thảo. Sắc mỗi ngày 1 thang lấy nước thuốc dùng hết trong ngày.
  • Bài thuốc 3: Chuẩn bị hải kim sa, hoạt thạch, huyền sâm, xa tiền thảo, cù mạch, biển xúc và thạch vi mỗi loại 12g, mộc thông và sinh cam thảo mỗi loại 4.5g, ngưu tất và thiên môn mỗi vị 9g, 6g kê nội kim và 4 quả hồ đào nhân. Sắc các vị thuốc trên 2 lần, trộn 2 lần nước với nhau, chia đều và sử dụng sáng tối. 

Trường hợp do các bệnh về xương khớp

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị xương truật, trạch tả, hoàng bá, ngũ gia bì và uy linh tiên mỗi loại 12g, hắc lão hổ và kim ngân hoa mỗi loại 30g, 20g bạch thược và 6g cam thảo. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thuốc làm 2 – 3 phần dùng hết trong ngày. 
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị đầy đủ các vị thuốc gồm đương quy, nhục quế, nhũ hương, huyền hồ, đào nhân, một dược chế và ngưu tất với liều lượng bằng nhau. Đem tất cả tán thành bột nhuyễn, mỗi lần sử dụng khoảng 6g pha với rượu hâm nóng. 

5. Tận dụng các loại thảo dược tự nhiên 

Bên cạnh các biện pháp trên, người bệnh cũng có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian từ các loại thảo dược tự nhiên như: 

Đau lưng mỏi gối tê tay
Dây đau xương chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, chống khuẩn và giảm đau xương khớp hiệu quả
  • Lá lốt: Đây là vị thuốc tốt trong điều trị các bệnh lý xương khớp, với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau, căng cứng, nhức mỏi, tê bì hiệu quả. Bạn có thể dùng lá lốt sắc lấy nước uống hoặc giã nhỏ với muối để chườm lên vị trí đau nhức. 
  • Dây đau xương: Trong loại thảo dược này có chứa các hoạt chất Alkaloid, Dinorditerpen Glucosid và Glycosid phenolic… có tác dụng tiêu sưng, chống viêm và giảm đau, cải thiện tê mỏi. Dùng dây đau xương, sao vàng và ngâm rượu theo tỷ lệ 1:5. Mỗi lần uống 1 chén nhỏ, ngày dùng 3 lần liên tục trong vòng 15 – 20 ngày để đạt kết quả tốt nhất. 

Lưu ý: Các bài thuốc dân gian sử dụng dược liệu dễ tìm, dễ thực hiện nhưng hiệu quả không cao, chỉ phù hợp với những người bị nhẹ. 

Chăm sóc dự phòng tái phát đau lưng, mỏi gối, tê tay

Trong và sau khi điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng lộ trình theo chỉ định của chuyên gia cũng như chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc để phòng ngừa tái phát: 

  • Tránh các công việc vận động quá sức, mang vác vật nặng;
  • Hạn chế chơi các bộ môn thể thao mạnh và dành thời gian nghỉ ngơi sau khi vận động; 
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng và uống đủ 2 lít nước/ ngày; 
  • Trong quá trình điều trị, tránh xa các chất kích thích, đồ uống có cồn, thức ăn có hại cho sức khỏe;
  • Duy trì tinh thần vui vẻ, thoải mái, vận động nhẹ nhàng và tránh ngồi lâu một tư thế; 

Trên đây là những thông tin về tình trạng đau lưng, mỏi gối, tê tay và hướng điều trị cơ bản. Tuy nhiên, khuyến khích bệnh nhân nên chủ động thăm khám sớm ngay khi phát hiện triệu chứng để rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí, công sức và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, duy trì sức khỏe xương khớp khỏe mạnh.

THÔNG TIN HỮU ÍCH

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger