Kinh nguyệt ra nhiều có nguy hiểm không? Cách xử lý hiệu quả

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Đài Trang | Lĩnh vực khám chữa: Rối loạn nội tiết tố nữ Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Kinh nguyệt ra nhiều là vấn đề nhiều phụ nữ gặp phải. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ mức độ nghiêm trọng và cách xử lý phù hợp.

Kinh nguyệt ra nhiều là như thế nào?

Kinh nguyệt ra nhiều là hiện tượng lượng máu kinh vượt quá 80ml trong một chu kỳ hoặc thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày. Theo các nghiên cứu y khoa, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 3-7 ngày, với lượng máu mất đi khoảng 30-80ml. 

kinh nguyệt ra nhiều
Kinh nguyệt ra nhiều là hiện tượng thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày với lượng máu kinh bị mất vượt quá 80ml/1 chu kỳ

Hiểu một cách đơn giản, kinh nguyệt ra nhiều là sự rối loạn ở lớp niêm mạc tử cung hoặc sự bất thường trong cơ chế đông máu, khiến lượng máu kinh không được kiểm soát như bình thường. Khi lượng máu kinh ra quá nhiều, cơ thể có thể đối mặt với các vấn đề sức khỏe nếu không được xử lý kịp thời.

Triệu chứng kinh nguyệt ra nhiều

Một số dấu hiệu có thể giúp bạn nhận diện tình trạng kinh nguyệt ra nhiều như:

  • Thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày: Nếu kỳ kinh của bạn liên tục vượt quá 7 ngày, đây là một trong những dấu hiệu điển hình của kinh nguyệt ra nhiều. Việc kéo dài ngày “đèn đỏ” không chỉ gây mệt mỏi mà còn làm tăng nguy cơ thiếu máu và viêm nhiễm vùng kín nếu không được chăm sóc đúng cách.
  • Lượng máu kinh vượt quá 80ml mỗi ngày: Rất khó để đo chính xác lượng máu kinh, nhưng bạn có thể ước lượng thông qua số lượng băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san bạn sử dụng. Trung bình, nếu bạn phải thay băng vệ sinh mỗi 1–2 giờ vì bị thấm đẫm hoặc phải sử dụng đồng thời nhiều biện pháp bảo vệ (băng vệ sinh kết hợp cốc nguyệt san hoặc tampon) thì lượng máu kinh có thể đã vượt quá ngưỡng an toàn.
  • Xuất hiện cục máu đông lớn: Sự xuất hiện của những cục máu đông có kích thước to hơn đồng xu là một tín hiệu đáng chú ý. Đây có thể là dấu hiệu của việc máu kinh không được lưu thông tốt hoặc cơ chế đông máu trong cơ thể gặp trục trặc, dẫn tới sự tích tụ và đông vón máu bên trong tử cung.
  • Các biểu hiện khác đi kèm: Cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao do mất máu nhiều.

Nếu bạn nhận thấy mình có từ 2 dấu hiệu trở lên, hãy sớm tìm đến cơ sở y tế để được kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân và tìm hướng điều trị phù hợp.

Nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra nhiều

Tại sao kinh nguyệt ra nhiều? Vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng bởi có rất nhiều yếu tố từ sinh lý đến bệnh lý đều có thể gây ra tình trạng này. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến:

Nguyên nhân sinh lý

Những thay đổi tự nhiên trong cơ thể đôi khi dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều:

  • Dậy thì hoặc tiền mãn kinh: Ở giai đoạn dậy thì, hệ nội tiết chưa ổn định, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc lượng máu kinh nguyệt ra nhiều. Tương tự, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh cũng gặp tình trạng tương tự do sự suy giảm hormone sinh dục.
  • Thay đổi nội tiết tố: Estrogen và progesterone mất cân bằng có thể làm lớp nội mạc tử cung dày lên bất thường, gây ra hiện tượng kinh nguyệt kéo dài hoặc ra nhiều máu hơn bình thường.
Nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra nhiều
Tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể là nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra nhiều

XEM CHI TIẾT: Rối Loạn Nội Tiết Tố Nữ: Dấu Hiệu và Cách Điều Trị

Nguyên nhân bệnh lý

Một số bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng có thể là nguyên nhân gây kinh nguyệt ra nhiều:

  • U xơ tử cung: Các khối u lành tính trong tử cung có thể làm tăng lượng máu kinh và kéo dài thời gian hành kinh.
  • Polyp nội mạc tử cung: Những khối u nhỏ trong lòng tử cung thường gây ra máu kinh nhiều, đôi khi kèm theo đau bụng.
  • Rối loạn đông máu: Các rối loạn như bệnh von Willebrand khiến máu khó đông, dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều bất thường.
  • Viêm nhiễm phụ khoa: Bệnh viêm âm đạo hoặc cổ tử cung có thể làm tổn thương niêm mạc, gây chảy máu nhiều trong kỳ kinh.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Dù hiếm gặp nhưng ung thư nội mạc tử cung là nguyên nhân nghiêm trọng cần được loại trừ, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi.
  • Viêm vùng chậu: Nhiễm trùng ở tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

TÌM HIỂU THÊMPolyp Cổ Tử Cung Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Cách Điều Trị 

Các nguyên nhân khác

Những yếu tố bên ngoài hoặc thói quen sinh hoạt cũng góp phần gây ra tình trạng này:

  • Tác dụng phụ của thuốc tránh thai: Một số loại thuốc tránh thai nội tiết hoặc thuốc điều trị khác có thể làm thay đổi lượng máu kinh.
  • Mang thai ngoài tử cung: Tình trạng này đôi khi gây ra chảy máu bất thường, dễ nhầm lẫn với kinh nguyệt ra nhiều.
  • Sử dụng thuốc làm loãng máu: Aspirin hoặc các thuốc chống đông máu dùng trong kỳ kinh có thể làm tăng lượng máu mất đi.
  • Đặt vòng tránh thai: Vòng tránh thai không phù hợp có thể gây kích ứng tử cung, dẫn đến kinh nguyệt kéo dài.
  • Căng thẳng kéo dài: Stress làm rối loạn hormone cortisol và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, gây ra tình trạng kinh nguyệt ra nhiều.

Kinh nguyệt ra nhiều có nguy hiểm không?

Nhiều người cho rằng kinh nguyệt ra nhiều chỉ là hiện tượng bình thường của cơ thể hoặc do thay đổi thời tiết, tâm trạng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, nếu tình trạng này kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, nó không chỉ gây mệt mỏi mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe phụ nữ. Việc hiểu rõ mức độ nguy hiểm của kinh nguyệt ra nhiều sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc theo dõi và chăm sóc cơ thể.

Dưới đây là ảnh hưởng tiêu cực của kinh nguyệt ra nhiều:

1. Gây thiếu máu và suy nhược cơ thể

Một trong những hậu quả phổ biến nhất khi bị kinh nguyệt ra nhiều là thiếu máu. Khi lượng máu mất đi vượt quá khả năng tái tạo của cơ thể, bạn sẽ dễ gặp các triệu chứng như chóng mặt, da xanh xao, tim đập nhanh, thở gấp hoặc cảm giác kiệt sức liên tục.

triệu chứng kinh nguyệt ra nhiều
Kinh nguyệt ra nhiều khiến chị em mệt mỏi, mất tập trung trong công việc

Nếu không can thiệp kịp thời, thiếu máu lâu ngày có thể làm suy giảm miễn dịch và ảnh hưởng tới các cơ quan khác trong cơ thể.

2. Tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa

Lượng máu kinh nhiều sẽ làm môi trường vùng kín ẩm ướt kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển. Việc phải thay băng vệ sinh liên tục mà không giữ vệ sinh đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, gây ngứa ngáy, khó chịu và thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

3. Ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý

Không chỉ là vấn đề về sức khỏe, kinh nguyệt ra nhiều còn khiến nhiều chị em cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Việc phải thay băng liên tục, lo lắng về việc “tràn băng” khi làm việc hay tham gia hoạt động ngoài trời có thể khiến bạn mất tự tin, căng thẳng và mệt mỏi về mặt tinh thần.

4. Tiềm ẩn bệnh lý nghiêm trọng

Kinh nguyệt ra nhiều có thể là biểu hiện ban đầu của các bệnh lý như u xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung, rối loạn đông máu hoặc thậm chí là ung thư nội mạc tử cung. Nếu tình trạng này đi kèm với đau bụng dữ dội, máu kinh có màu bất thường hoặc mùi hôi khó chịu, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra kỹ lưỡng.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Không phải lúc nào kinh nguyệt ra nhiều cũng nguy hiểm ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu bạn gặp một trong các dấu hiệu dưới đây, đừng chần chừ tìm đến cơ sở y tế:

  • Kỳ kinh kéo dài liên tục trên 10 ngày.
  • Ra máu ồ ạt, thay băng vệ sinh mỗi giờ trong nhiều giờ liên tục.
  • Xuất hiện cục máu đông lớn kéo dài nhiều ngày.
  • Kèm theo đau bụng dữ dội, sốt hoặc có mùi hôi bất thường.
  • Cảm giác mệt mỏi, tim đập nhanh hoặc khó thở sau kỳ kinh.
  • Kinh nguyệt ra nhiều đột ngột và không rõ nguyên nhân.

Việc thăm khám sớm giúp phát hiện kịp thời nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.

Như vậy, kinh nguyệt ra nhiều là vấn đề không nên xem nhẹ. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cho nhiều rối loạn sức khỏe nghiêm trọng. Lắng nghe cơ thể và thăm khám kịp thời để bảo vệ sức khỏe sinh sản và duy trì cuộc sống thoải mái hơn mỗi ngày.

Cách xử lý hiệu quả khi bị kinh nguyệt ra nhiều

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau để khắc phục tình trạng kinh nguyệt ra nhiều:

1. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Trước khi nghĩ đến việc sử dụng thuốc hay can thiệp y tế, những điều chỉnh nhỏ trong lối sống hàng ngày có thể giúp giảm bớt tình trạng kinh nguyệt ra nhiều một cách tự nhiên. Một chế độ sinh hoạt lành mạnh không chỉ hỗ trợ cân bằng nội tiết tố mà còn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp cơ thể bạn tự điều chỉnh và kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt tốt hơn.

Dưới đây là những thói quen đơn giản nhưng rất hữu ich mà bạn nên áp dụng khi thấy kinh nguyệt ra nhiều:

Ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu sắt và vitamin:

Khi cơ thể mất nhiều máu trong kỳ kinh nguyệt, việc bổ sung các thực phẩm giàu sắt là cực kỳ cần thiết để bù đắp lượng máu thiếu hụt. Bạn nên tăng cường ăn các loại rau lá xanh đậm như rau bina, cải bó xôi, hoặc các nguồn protein như thịt đỏ nạc, gan động vật.

kinh nguyệt ra nhiều phải làm sao
Bổ sung các thực phẩm giàu sắt để bù lại lượng máu đã mất khi kinh nguyệt ra nhiều

Bên cạnh đó, đừng quên bổ sung vitamin C từ trái cây tươi (cam, bưởi, kiwi) để hỗ trợ hấp thụ sắt hiệu quả hơn.

– Tập luyện nhẹ nhàng để hỗ trợ tuần hoàn:

Tập thể dục với cường độ vừa phải như yoga, đi bộ thư giãn hoặc các bài giãn cơ giúp lưu thông máu tốt hơn và cân bằng hormone trong cơ thể. Tuyệt đối tránh các bài tập quá sức trong ngày “đèn đỏ” nếu không muốn tình trạng chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn.

– Ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng:

Giấc ngủ đủ sâu và tinh thần thoải mái đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Căng thẳng kéo dài có thể làm rối loạn nội tiết tố, khiến kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường.

Hãy cố gắng duy trì lịch trình ngủ – thức hợp lý và dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như thiền, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng.

– Uống đủ nước để hỗ trợ tuần hoàn máu:

Cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp máu lưu thông tốt hơn và hỗ trợ quá trình đào thải tự nhiên trong kỳ kinh nguyệt. Điều này cũng giúp bạn cảm thấy bớt mệt mỏi và giảm cảm giác khó chịu do mất máu.

– Hạn chế các chất kích thích:

Rượu bia, cà phê và các thức uống chứa nhiều caffeine có thể khiến mạch máu co lại, làm rối loạn sự co bóp tử cung và dẫn đến tình trạng kinh nguyệt ra nhiều hơn. Hạn chế hoặc loại bỏ những thói quen này trong kỳ kinh nguyệt sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn lượng máu kinh.

– Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách:

Việc vệ sinh vùng kín trong những ngày “đèn đỏ” đóng vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa viêm nhiễm, đặc biệt khi lượng máu kinh ra nhiều khiến môi trường âm đạo ẩm ướt kéo dài. Chị em nên:

  • Thay băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san thường xuyên, ít nhất 3–4 tiếng/lần, hoặc khi thấy băng đã thấm đầy.
  • Rửa vùng kín nhẹ nhàng bằng nước ấm, tránh sử dụng dung dịch vệ sinh có tính tẩy mạnh gây mất cân bằng pH tự nhiên.
  • Lau khô vùng kín đúng cách, từ trước ra sau để hạn chế vi khuẩn từ hậu môn lây lan.
  • Không thụt rửa sâu âm đạo, vì điều này có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

2. Điều trị kinh nguyệt ra nhiều bằng các phương pháp y tế

Điều trị y tế là lựa chọn cần thiết khi kinh nguyệt ra nhiều kéo dài. Các phương pháp có thể được lựa chọn là:

  • Thuốc điều hòa kinh nguyệt: Một số trường hợp cần sử dụng thuốc nội tiết (theo chỉ định bác sĩ) giúp giảm lượng máu kinh và cải thiện chu kỳ.
  • Ibuprofen: Loại thuốc này thường được sử dụng để giảm đau bụng kinh và giảm lượng máu mất trong kỳ kinh nguyệt quá nhiều
  • Acid tranexamic: Thuốc giúp cầm máu bằng cách ức chế sự phân hủy của các cục máu đông tự nhiên trong cơ thể, từ đó giảm lượng máu chảy ra trong kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là khi bạn bị kinh nguyệt ra nhiều.
  • Điều trị bệnh lý nền: Nếu kinh nguyệt ra nhiều do u xơ tử cung, polyp hoặc viêm nhiễm, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật nhỏ hoặc dùng thuốc đặc trị để xử lý triệt để.
  • Can thiệp ngoại khoa: Nếu kinh nguyệt ra nhiều do u xơ tử cung lớn hoặc polyp không đáp ứng thuốc, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật nội soi để loại bỏ. Trong trường hợp biến chứng nặng, như thiếu máu nghiêm trọng hoặc nghi ngờ ung thư, phẫu thuật cắt tử cung có thể được xem xét (hiếm gặp).
cách điều trị kinh nguyệt ra nhiều bằng phẫu thuật
Một số trường hợp cần làm phẫu thuật để điều trị bệnh lý nền khiến kinh nguyệt ra nhiều

3. Mẹo chữa kinh nguyệt ra nhiều tại nhà

Một số bài thuốc dân gian đơn giản có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng kinh nguyệt ra nhiều. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và áp dụng các mẹo sau:

  • Uống nước gừng ấm: Gừng có tính ấm, giúp lưu thông máu và giảm đau bụng kinh, điều hòa kinh nguyệt. Pha một thìa gừng tươi giã nhỏ với nước ấm, thêm chút mật ong, uống 1-2 lần/ngày.
  • Dùng lá ngải cứu: Ngải cứu giúp điều hòa kinh nguyệt, an thần, cầm máu. Bạn có thể nấu cháo ngải cứu hoặc sắc nước ngải cứu uống 3 lần/ngày trước khi có kinh khoảng 1 tuần và duy trì cho đến khi hết kinh.
  • Bài thuốc từ lá huyết dụ và bột nghệ: Lấy lá huyết dụ tươi, rửa sạch, đun sôi với một ít bột nghệ trong 2 phút. Uống nước này 2 lần/ngày để hỗ trợ giảm rong kinh, ra nhiều máu kinh và cải thiện sức khỏe.
  • Uống nước ép cần tây: Lấy 100g lá cần tây tươi, rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước. Uống 1 lần/ngày trong 2-3 tuần để hỗ trợ giảm kinh nguyệt ra nhiều và cải thiện sức khỏe.

Giải đáp các thắc mắc liên quan đến hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều

Hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều luôn khiến chị em cảm thấy bối rối và lo ngại, đặc biệt khi chưa hiểu rõ nguyên nhân cũng như cách xử lý. Để giúp bạn an tâm hơn và hiểu đúng về tình trạng này, hãy cùng tham khảo lời giải đáp cho những thắc mắc phổ biến nhất dưới đây:

1. Kinh nguyệt ra nhiều có tự hết không?

Tình trạng này có thể tự cải thiện nếu do rối loạn nội tiết tạm thời. Tuy nhiên, nếu kéo dài trên 3 chu kỳ, bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân.

2. Nên ăn gì để giảm kinh nguyệt ra nhiều?

Bạn nên ăn thực phẩm giàu sắt như gan, bí đỏ và bổ sung vitamin B6 từ chuối, hạt óc chó để hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt.

3. Kinh nguyệt ra nhiều có phải mang thai ngoài tử cung không?

Không phải lúc nào kinh nguyệt ra nhiều cũng đồng nghĩa với mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, nếu bạn bị chảy máu bất thường kèm theo đau bụng dữ dội ở một bên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo thai ngoài tử cung. Trường hợp này rất nguy hiểm, bạn nên đi khám ngay để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

Kinh nguyệt ra nhiều có phải mang thai ngoài tử cung không
Không phải trường hợp nào ra nhiều kinh nguyệt cũng là do mang thai ngoài tử cung

4. Kinh nguyệt ra nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý không?

Có ảnh hưởng. Khi mất nhiều máu, cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng, từ đó gây ra cảm giác căng thẳng, dễ cáu gắt hoặc thậm chí lo âu kéo dài. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và dành thời gian thư giãn để giữ tinh thần thoải mái hơn trong những ngày “đèn đỏ”.

5. Có nên tập thể dục khi kinh nguyệt ra nhiều?

Có thể, nhưng hãy lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng. Những hoạt động như đi bộ chậm rãi, yoga hoặc các bài giãn cơ giúp lưu thông khí huyết và giảm căng thẳng hiệu quả. Tránh các bài tập cường độ cao hoặc vận động mạnh, vì điều này có thể khiến tử cung co bóp nhiều hơn và làm tăng lượng máu kinh.

Kinh nguyệt ra nhiều là tình trạng không nên chủ quan vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu bạn đang gặp phải vấn đề này, đừng ngần ngại thăm khám và điều trị sớm nếu cần thiết để bảo vệ sức khỏe lâu dài.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger