Sỏi niệu quản là gì? Dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Sỏi thận Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Sỏi niệu quản là một dạng sỏi tiết niệu phổ biến, có thể gây ra nhiều dấu hiệu bất thường như đau thắt lưng, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu hoặc sốt cao do nhiễm trùng. Tùy theo vị trí và kích thước viên sỏi mà bệnh nhân sẽ được điều trị bằng nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa để loại bỏ sỏi nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.

Sỏi niệu quản là gì?

Sỏi niệu quản là bệnh lý chỉ sự xuất hiện của viên sỏi nằm trên đường dẫn nước tiểu nối từ thận đến bàng quang. Trong nhiều trường hợp, viên sỏi ban đầu thường có kích thước nhỏ, được hình thành tại thận và theo nước tiểu di chuyển xuống niệu quản. 

Sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản có thể gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang và khiến bệnh nhân gặp nhiều triệu chứng khó chịu

Bất kỳ vị trí nào trên ống niệu quản cũng có thể xuất hiện sỏi. Chúng được chia làm 3 khu vực chính, cho phép bác sĩ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị sỏi niệu quản. Bao gồm:

  • Sỏi niệu quản 1/3 trên
  • Sỏi niệu quản 1/3 giữa
  • Sỏi niệu quản 1/3 dưới.

Sau khi rơi từ thận xuống niệu quản, viên sỏi có thể gây cản trở sự lưu thông của nước tiểu xuống bàng quang và gây ra nhiều triệu chứng bất thường trong hoạt động tiểu tiện. Sự tích tụ của cặn bã kết hợp với canxi oxalat, axit uric hay các chất khác có thể khiến viên sỏi niệu quản ngày càng phát triển to hơn và gây biến chứng nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.

Dấu hiệu của bệnh sỏi niệu quản

Các triệu chứng thường gặp khi bị sỏi niệu quản bao gồm:

– Đau: 

  • Trường hợp viên sỏi có kích thước nhỏ, bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác đau âm ỉ ở vùng hố chậu thắt lưng. 
  • Cơn đau lan dần ở vùng lưng khi viên sỏi di chuyển trong ống niệu quản.
  • Một số bệnh nhân có cảm giác đau quặn thận, đau đột ngột và dữ dội từ vùng thắt lưng xuống đến bẹn.

– Các bất thường trong tiểu tiện:

Khi sỏi gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu, chúng có thể làm tổn thương niệu quản và gây ra viêm nhiễm hoặc chảy máu. Nước tiểu bị ứ đọng do sỏi cũng là yếu tố chính tạo ra các cơn đau dữ dội. Cùng với đó, bệnh nhân còn xuất hiện các triệu chứng bất thường khác khi đi tiểu như:

  • Đau đớn, khó chịu khi đi tiểu
  • Tiểu buốt
  • Tiểu rắt
  • Số lượng nước tiểu ít
  • Tiểu xong vẫn còn cảm thấy mót và muốn đi nữa
  • Thay đổi màu sắc nước tiểu do ống niệu quản bị chảy máu. Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu sẫm tùy theo mức độ chảy máu.

Bạn nên biết: Sỏi thận tiểu ra máu có nguy hiểm không? Cách trị tốt nhất

triệu chứng sỏi niệu quản
Tiểu rắt, tiểu buốt, hay mót tiểu là triệu chứng thường gặp khi bị sỏi niệu quản

– Triệu chứng sỏi niệu quản có nhiễm khuẩn tiết niệu:

  • Nước tiểu đục hoặc có mủ
  • Sốt cao, sợ lạnh, có cảm giác ớn lạnh trong người
  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Cơ thể mệt mỏi…

– Các dấu hiệu khác ít gặp hơn:

  • Đi tiểu ra sỏi nhỏ
  • Chướng bụng
  • Bí trung đại tiện

Nguyên nhân gây sỏi niệu quản

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi niệu quản như:

  • Uống ít nước, cơ thể bị mất nước khiến thận hoạt động kém hiệu quả trong việc loại bỏ cặn bã và tinh thể dư thừa trong máu. Những chất này sau đó sẽ tích tụ lại và tạo thành viên sỏi.
  • Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu purin, natri, canxi oxalat, vitamin C hoặc ăn nhiều thịt, ít rau củ.
  • Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên đường tiết niệu và dẫn đến nguy cơ hình thành sỏi niệu quản cao.
  • Nhiễm trùng đường tiểu tái đi tái lại nhiều lần.
  • Người có tiền sử bị sỏi thận, sỏi niệu quản trong gia đình 
  • Mắc bệnh gút, nhiễm trùng ruột hay cường tuyến cận giáp. Những bệnh lý này đều làm tăng khả năng mắc bệnh sỏi niệu quản.
  • Do tác dụng phụ của thuốc: Sỏi có thể hình thành trong thận và niệu quản sau khi dùng các loại thuốc như: Thuốc trị nghẹt mũi, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm steroid hay thuốc điều trị co giật.

Các dạng sỏi niệu quản thường gặp

Sự kết hợp của các tinh thể trong nước tiểu sẽ hình thành viên sỏi. Tùy theo tính chất và thành phần cấu tạo mà sỏi niệu quản được chia thành các dạng sau:

  • Sỏi Canxi oxalat: Đây là dạng thường gặp nhất. Nguyên nhân là do cơ thể tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu Canxi oxalat kết hợp với tình trạng uống ít nước, mất nước, tạo điều kiện cho viên sỏi phát triển.
  • Sỏi Axit uric: Dạng sỏi này thường gặp ở những bệnh nhân bị gout hoặc người đang được điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị liệu. Lúc này, cơ thể bị dư thừa quá nhiều axit uric nhưng không được thận đào thải hết mà tích tụ thành sỏi, sau đó rơi xuống niệu quản.
  • Sỏi struvite: Viên sỏi được hình thành sau khi bị viêm đường tiết niệu. Dưới tác động của vi khuẩn, hàm lượng amoniac trong nước tiểu tăng cao và gây ra sỏi niệu quản. Bệnh nhân nên chú ý theo dõi nếu gặp dạng sỏi này vì nó có thể gia tăng kích thước khá nhanh.
  • Sỏi cystine: Cystine là một loại axit amin được tìm thấy trong nước tiểu. Chất này có khả năng hòa tan kém nên dễ dàng tích tụ lại và tạo thành sỏi. Ở Việt Nam, sỏi cystine hiếm gặp hơn so với các loại sỏi khác.
nguyên nhân gây sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản có thể được kết tinh từ nhiều loại tinh thể khác nhau

Bệnh sỏi niệu quản có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp 

Bệnh sỏi niệu quản có thể mang lại những cơn đau và cảm giác khó chịu, nhất là khi đi tiểu. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây nguy hiểm nếu không được chú trọng điều trị. 

Các biến chứng có thể gặp khi bị sỏi niệu quản bao gồm:

  • Nhiễm trùng niệu quản: Khi viên sỏi gây tắc nghẽn, tổn thương niệu quản, vi khuẩn có thể tấn công và gây viêm niệu quản. Trường hợp nặng, nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng và gây viêm nhiễm ở các bộ phận khác trên đường tiết niệu, chẳng hạn như thận, bàng quang.
  • Đau mãn tính: Sỏi niệu quản có thể gây ra các cơn đau dữ dội và kéo dài, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Suy thận cấp: Sỏi niệu quản lớn hoặc các sỏi gây tắc nghẽn lâu ngày có thể gây tổn thương thận, dẫn đến suy thận cấp.
  • Suy thận mãn tính: Suy thận mạn là sự suy giảm dần dần và liên tục của chức năng thận qua thời gian. Nguyên nhân là do sỏi niệu quản thường xuyên gây tắc nghẽn hoặc tổn thương thận. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường xuất hiện cảm giác mệt mỏi kéo dài, giảm cân không rõ nguyên nhân, lượng nước tiểu tăng hoặc giảm.
  • Giãn đài bể thận: Đây là tình trạng giãn nở các đài và bể thận do sỏi niệu quản gây tắc nghẽn, ứ đọng nước tiểu.
  • Viêm bể thận cấp: Đây là một biến chứng nghiêm trọng, thường xảy ra do tình trạng nhiễm trùng từ niệu quản lan rộng lên thận hoặc do nước tiểu ứ đọng trong bể thận dẫn đến viêm nhiễm.

Để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và duy trì chức năng thận, việc chẩn đoán và điều trị bệnh sỏi niệu quản từ sớm là điều cần thiết.

XEM THÊM: Hướng Dẫn Cách Phân Biệt Suy Thận Cấp Và Suy Thận Mạn

Chẩn đoán sỏi niệu quản

Tại phòng khám, bác sĩ thường trao đổi với bệnh nhân về các triệu chứng đang gặp phải, tiền sử bệnh lý, thói quen ăn uống hay các loại thuốc sử dụng. Những thông tin này sẽ giúp đưa ra những chẩn đoán ban đầu về bệnh.

siêu âm chẩn đoán sỏi niệu quản
Siêu âm bụng dưới có thể giúp phát hiện vị trí, kích thước của sỏi niệu quản

Một số xét nghiệm bổ sung có thể được thực hiện để xác định vị trí, kích thước, dạng sỏi hay mức độ ảnh hưởng của sỏi tiết niệu. Bao gồm:

  • Siêu âm thận tiết niệu
  • Chụp X-quang đường tiết niệu
  • Chụp cắt lớp (MSCT)
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu.

Cách điều trị sỏi niệu quản

Tùy theo vị trí, kích thước của sỏi niệu quản và các biến chứng liên quan mà bệnh nhân có thể được điều trị bằng phương pháp bảo tồn hoặc phẫu thuật.

1. Chữa sỏi niệu quản bằng phương pháp bảo tồn 

Một số bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị nhằm mục đích thu nhỏ kích thước viên sỏi và giảm nhẹ các triệu chứng liên quan. Bệnh nhân cũng được khuyến cáo nên thay đổi lối sống để hỗ trợ kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Thời gian điều trị bằng phương pháp nội khoa có thể kéo dài từ 4 – 6 tuần.

Đối tượng chỉ định:

  • Người có sỏi niệu quản nhỏ, đường kính ≤ 10mm, bề mặt nhẵn và có bờ rõ ràng.
  • Thận hoạt động bình thường, chưa có dấu hiệu bị tổn thương, suy giảm chức năng.

Các thuốc điều trị sỏi niệu quản:

  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc kháng viêm
  • Thuốc kháng sinh cho các trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Thuốc làm giãn cơ trơn, giúp viên sỏi dễ dàng di chuyển trong đường tiết niệu, ngăn ngừa tắc nghẽn.
  • Thuốc kiềm hóa, cân bằng nồng độ pH trong nước tiểu
  • Thuốc làm giảm axit uric và các khoáng chất khác tùy theo loại sỏi
  • Thuốc lợi tiểu.

Mẹo hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng sỏi niệu quản tại nhà:

  • Uống nhiều nước, tối thiểu là 2 lít/ngày đối với người trưởng thành.
  • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều natri, axit uric và canxi oxalat
  • Cắt giảm lượng muối sử dụng khi chế biến thức ăn.
  • Giới hạn lượng canxi sử dụng mỗi ngày ở mức 800 – 1000mg.
  • Bổ sung protein từ thịt, cá ở mức 150g/ngày.
  • Tăng cường chất xơ từ rau củ quả tươi trong thực đơn hàng ngày.
  • Hạn chế ăn đồ ngọt
  • Tránh sử dụng thực uống có gas, cà phê hay bia rượu.

2. Điều trị sỏi niệu quản bằng ngoại khoa

Trường hợp viên sỏi niệu quản có kích thước lớn hơn 10mm, điều trị nội khoa không hiệu quả, có nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc suy giảm chức năng thận, bệnh nhân sẽ được can thiệp chuyên sâu để loại bỏ viên sỏi.

cách điều trị sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản có thể được loại bỏ bằng phương pháp tán sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi

Các phương pháp có thể được chỉ định bao gồm:

  • Tán sỏi qua da hoặc tán sỏi ngoài cơ thể
  • Phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở lấy sỏi.
  • Tán sỏi bằng phương pháp nội soi niệu quản ngược dòng.

XEM CHI TIẾT: Chi phí tán sỏi qua da và quy trình thực hiện

3. Điều trị sỏi niệu quản gây biến chứng viêm bể thận cấp tính

Viêm bể thận cấp tính được xem là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh sỏi niệu quản, có thể gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời . Do vậy, nếu xuất hiện các triệu chứng như đau hông lưng, ớn lạnh, sốt cao, rét run, người nhà nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý cấp cứu ngay.

Phương pháp điều trị cho các trường hợp này là:

  • Mở thận ra da hoặc đặt thông niệu quản để giải phóng tình trạng tắc nghẽn.
  • Điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh.
  • Can thiệp lấy sỏi sau khi đã kiểm soát được nhiễm trùng.

Cách phòng ngừa sỏi niệu quản

Duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng lối sống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc sỏi niệu quản. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích, giúp bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả:

  • Đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ nước mỗi ngày.
  • Hạn chế ăn mặn
  • Kiểm soát lượng canxi oxalat và purin dung nạp vào cơ thể. Những chất này được tìm thấy nhiều trong các sản phẩm từ sữa, củ cải, đậu phộng, ca cao, măng tây, nội tạng động vật và một số loại hải sản.
  • Ưu tiên bổ sung protein từ thực vật (nấm, đậu, ngũ cốc,…) và hạn chế nguồn protein từ động vật.
  • Không tự ý bổ sung canxi hoặc sử dụng các loại thuốc tây bừa bãi khi không được bác sĩ chỉ định. 
  • Kiểm soát tốt bệnh gout, viêm ruột, sỏi thận và các bệnh lý có thể làm gia tăng nguy cơ mắc sỏi niệu quản nếu có.

Bệnh sỏi niệu quản nếu được phát hiện và can thiệp điều trị sớm sẽ không quá nguy hiểm. Do vậy, bạn nên thăm khám và điều trị sớm ngay khi xuất hiện cơn đau ở vùng hố chậu thắt lưng hoặc có bất thường khi đi tiểu. Việc sử dụng thuốc kết hợp thay đổi lối sống có thể giúp loại bỏ những viên sỏi nhỏ hoặc làm chậm tốc độ phát triển của chúng mà không cần phải phẫu thuật.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger