Thoái hoá khớp gối ở người trẻ là do đâu? Điều trị thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoái hóa khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ là một trong những vấn đề sức khỏe rất được quan tâm trong vài năm trở lại đây. Nếu như trước kia bệnh lý này chỉ xuất hiện ở người già thì hiện nay tỷ lệ mắc bệnh ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa.

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ
Thoái hóa khớp gối ở người trẻ là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại vì ngày càng có xu hướng tăng cao

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi

Khớp gối là bộ phận quan trọng có nhiệm vụ thực hiện các chuyển động và nâng đỡ cơ thể. Tuy nhiên, vì cấu trúc khớp gối khá phức tạp và chịu nhiều áp lực do các sinh hoạt hàng ngày nên rất dễ bị tổn thương.

Nếu như ở người lớn tuổi, tình trạng khớp gối bị thoái hóa thường có liên quan đến yếu tố lão hóa, tuổi tác cao, thì ở người trẻ tuổi chứng thoái hóa khớp gối xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Tăng cân đột ngột: Các chuyên gia cho biết, trọng lượng cơ thể “quá khổ” gây áp lực lên khớp gối, theo thời gian làm bào mòn khớp sụn, yếu cơ và dẫn đến thoái hóa. 
  • Chấn thương: Tai nạn va chạm giao thông, chơi thể thao, tai nạn nghề nghiệp khi lao động nặng… đều là những chấn thương nghiêm trọng gây tổn thương sụn khớp, dứt giãn dây chằng hoặc vỡ xương bánh chè… Những tổn thương này nếu không được điều trị đúng cách, sau một thời gian có thể phát sinh di chứng nghiêm trọng. Và một trong số đó là chứng thoái hóa khớp gối. 
  • Ít vận động: Việc ít đi lại, vận động do lười biếng hoặc thường xuyên ngồi yên một chỗ do đặc thù công việc khiến các khớp xương suy yếu, kém linh loạt hơn. Theo đánh giá, có đến hơn 30% người trẻ bị thoái hóa khớp gối do lười vận động. 
  • Thiếu chất: Thực đơn ăn uống không phù hợp, không đầy đủ các dưỡng chất cần thiết không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược mà còn làm giảm khả năng tiết dịch khớp gối, giảm khả năng vận động và dẫn đến thoái hóa. 
  • Lạm dụng corticoid: Đây là loại thuốc chống viêm mạnh, thường dùng trong điều trị các tình trạng viêm sưng và đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, tùy tiện hoặc lạm dụng có thể tăng nguy cơ thoái hóa khớp. 
  • Giới tính: Một nghiên cứu cho thấy nữ giới có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn so với nam giới. 
  • Các bệnh lý liên quan: Ngoài những nguyên nhân kể trên, một vài bệnh lý làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối ở người trẻ như viêm khớp gối, bệnh gout, tiểu đường, viêm khớp nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa… 

Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp gối

Các triệu chứng thoái hóa khớp gối thường diễn tiến âm thầm và xuất hiện đột ngột. Ban đầu có thể là những biểu hiện nhẹ thông thường, nhưng càng về sau càng nghiêm trọng. Dưới đây là một vài dấu hiệu nhận biết bạn cần chú ý: 

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ
Thoái hóa khớp gối ở người trẻ gây đau nhức dữ dội, ảnh hưởng khả năng vận động
  • Đau nhức: Cơn đau thường chỉ âm ỉ bên trong khớp hoặc phía trước đầu gối. Đau càng tăng nặng hơn khi di chuyển, cử động. Ở trường hợp nặng hơn, cơn đau sẽ xuất hiện thường xuyên, ngay cả khi đang nghỉ ngơi và không cử động. 
  • Sưng nóng: Quan sát bên ngoài có thể thấy khớp gối sưng to lên, đầu khớp nặng nề khiến bạn khó có thể hoạt động như bình thường. 
  • Cứng khớp: Xảy ra phổ biến nhất vào mỗi buổi sáng, sau khi ngủ dậy hoặc khi bất động trong một khoảng thời gian. Triệu chứng này thường giảm khi xoa bóp.
  • Phát ra âm thanh lạo xạo: Khi thực hiện các cử động như đứng lên, ngồi xuống hay chuyển động bất ngờ sẽ phát ra âm thanh lạo xạo do các khớp ma sát trực tiếp với nhau. 

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối ở người trẻ

Dưới đây là những phương pháp phổ biến trong điều trị thoái hóa khớp gối ở người trẻ:

1. Điều trị không dùng thuốc

Những trường hợp nhẹ có thể giảm các triệu chứng bằng những biện pháp sau:

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ
Đeo nẹp khớp gối hỗ trợ giảm đau tốt và ngăn chặn diễn tiến thoái hóa nặng
  • Luyện tập: Duy trì vận động nhẹ nhàng và tập thể dục giúp giữ cân nặng ở mức phù hợp, giảm áp lực cho khớp gối. Điều này cũng giúp tăng khả năng vận động và phục hồi chức năng vốn có của khớp gối. Trong đó, đạp xe, đi bộ, các bài tập yoga thoái hóa khớp gối có thể giúp ích.
  • Giảm cân: Chú ý giảm cân và giữ cân nặng hợp lý để tránh tăng áp lực gây đau và tổn thương thêm cho khớp gối.
  • Hạn chế mang giày cao gót: Mang giày cao gót thường xuyên có thể làm nặng hơn tình trạng của bạn.
  • Đeo nẹp: Nẹp khớp gối là một trong những dụng cụ hỗ trợ tốt nhất trong việc ngăn chặn diễn tiến thoái hóa. Với thiết kế nẹp bản lề cứng cùng 3 điểm tỳ giúp bệnh nhân giảm rõ rệt cơn đau nhức và hỗ trợ tăng cường biên độ vận động của khớp gối. 
  • Vật lý trị liệu: Đây là liệu pháp giúp giảm đau thoái hóa khớp gối và kết hợp tăng cường sức mạnh các cơ, phục hồi khả năng vận động. Có rất nhiều phương pháp vật lý trị liệu khác nhau như:
    • Nhiệt trị liệu: như tắm bùn nóng, ngâm suối nước nóng, tia hồng ngoại, đắp paraphin, chườm ngải cứu, massage… Nhiệt nóng có tác dụng giảm co cứng cơ, giảm đau, kích thích giãn mạch và tăng cường quá trình chuyển hóa các dưỡng chất nuôi dưỡng khớp gối khỏe mạnh. 
    • Điện trị liệu: như sóng ngắn, sóng siêu âm, dòng xung điện, dòng Ganavic và Faradic, tia laser… có tác dung giảm đau, chống viêm, chống phù nề, kích thích các dây thần kinh cơ, tăng cường chuyển hóa cũng như khả năng tái tạo các tổ chức tại khớp gối.
    • Bài tập vật lý trị liệu: Bài tập vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối có khả năng thúc đẩy quá trình phục hồi vận động lẫn chức năng của đầu gối, làm chậm quá trình tiến triển bệnh và giảm các triệu chứng.
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Phương pháp này còn được gọi là điều trị bằng tế  bào gốc. Phương pháp này được chứng minh đem lại hiệu quả cao, an toàn và dứt điểm cơn đau nhức nhanh chóng. Theo đó, huyết tương giàu tiểu cầu thực chất được tách chiết từ mỡ sau đó trộn với huyết tương cô đặc của bệnh nhân và bơm tiêm trực tiếp vào khớp gối. 

2. Dùng thuốc trị thoái hóa khớp gối

Một số thuốc chữa thoái hóa khớp gối cho người trẻ tuổi như:

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ
Kết hợp dùng thuốc giảm đau, chống viêm và bổ sung viên uống Glucosamine hoặc Chondroitin giúp điều trị hiệu quả triệu chứng thoái hóa khớp gối
  • Thuốc uống giảm đau: Loại thông thường là Paracetamol hoặc các loại giảm đau không steroid (NSAIDs) như Acetaminophen (Tylenol), Naproxen (Aleve), Ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc Aspirin… Nhóm thuốc giảm đau này được khuyến cáo dùng ngắn ngày (không qua 10 ngày) vì có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ cho cơ thể, nhất là dạ dày. 
  • Thuốc bôi tại chỗ: Trên thị trường có một vài dòng thuốc bôi dưới dạng gel, kem có tác dụng giảm đau tại chỗ ở vị trí khớp gối đau nhức, giảm căng cứng và phục hồi tạm thời khả năng cử động. Điển hình như thuốc Salicyla hoặc Menthol… 
  • Thuốc tiêm corticosteroid: Corticosteroid được tiêm trực tiếp vào khớp, giúp giảm đau hiệu quả và nhanh chóng.
  • Viên uống bổ sung: Đối vớ người bị thoái hóa khớp gối nên tăng cường bổ sung các dưỡng chất giúp nuôi dưỡng, bảo vệ và duy trì chức năng khớp. Có 2 loại phổ biến trên thị trường là Glucosamine sulfate và Chondroitin sulfate. Trong đó, Glucosamine giúp giảm đau nhức và ngăn chặn cơ chế phá hủy sụn khớp, còn Chondroitin giúp sụn dẻo dai, không bị khô cứng, duy trì cử động linh hoạt của khớp. 

Lưu ý: Dùng thuốc là giải pháp hiệu quả nhưng cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Và bản thân người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn về liều dùng, cách dùng để tránh gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn. 

3. Can thiệp phẫu thuật (nếu cần thiết)

Khi các biện pháp điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ cân nhắc đến các phương pháp phẫu thuật để can kịp thời, nhằm mục đích loại bỏ tổn thương và phục hồi cấu trúc, chức năng khớp gối.

Tùy theo tình trạng thương tổn khớp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp: 

  • Nội soi khớp gối: Đây là phương pháp hiện đại được áp dụng chủ yếu trong các trường hợp thoái hóa khớp giai đoạn sớm. Tùy theo mức độ thương tổn cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thủ thuật phù hợp như: cấy ghép tế bào sụn mới, cắt lọc – bào – rửa khớp, khoan kích thích tái tạo xương mới…
  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo: Trường hợp thoái hóa khớp gối nặng, lâu năm không có khả năng phục hồi sẽ được chỉ định phẫu thuật thay khớp bán phần hoặc toàn phần. Khớp nhân tạo có nhiều loại khác nhau, tùy theo tình trạng hư hại của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại khớp phù hợp. Tuổi thọ của khớp gối nhân tạo thường kéo dài khoảng 15 năm hoặc lâu hơn nếu được chăm sóc kỹ lưỡng. 

Biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi

Loại trừ yếu tố lão hóa do tuổi tác thì không khó để phòng ngừa thoái hóa khớp gối cho người trẻ. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả bạn có thể áp dụng ngay: 

Chế độ dinh dưỡng hàng ngày

Để có một sức khỏe tốt toàn diện, bạn cần bổ sung đa dạng các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Trong đó, ưu tiên bổ sung các nhóm dưỡng chất tốt cho xương khớp thông qua các loại thực phẩm lành mạnh như: 

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ
Chế độ ăn uống đủ chất, giàu omega 3, canxi, vitamin D giúp ngăn chặn các yếu tố thoái hóa khớp gối hiệu quả

Nên ăn

  • Các loại cá nước ngọt, cá biển chứa nhiều omega-3 như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá ngừ… có khả năng giảm viêm, ngăn ngừa thoái hóa khớp gối; 
  • Các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, ốc… rất giàu glucosamine. Đây là nguồn dưỡng chất cần thiết giúp khớp gối khỏe mạnh;
  • Các loại rau củ có màu xanh đậm giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, vitamin D như bông cải xanh, mồng tơi, cả kale, cải ngọt… giúp tăng cường sức khỏe sụn khớp; 
  • Các loại sữa tươi, sữa hạt giàu vitamin D, canxi, mage, sắt, kẽm… Nên ưu tiên các loại sữa ít đường, ít béo để duy trì cân nặng, tránh tăng cân đột ngột, phòng ngừa thoái hóa khớp gối hiệu quả; 
  • Ngoài ra, để phòng ngừa thoái hóa khớp gối bạn không nên bỏ qua dầu ô liu và gừng tươi. Thường xuyên sử dụng chúng trong chế biến thức ăn hàng ngày có khả năng ngăn chặn quá trình phá hủy sụn khớp, giảm sưng và viêm đau khớp hiệu quả. 

Kiêng ăn

  • Giảm tinh bột, các loại thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều muối; 
  • Thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ; 
  • Các loại thịt đỏ, nội tạng động vật nhiều đạm; 
  • Các loại rau củ quả dễ gây sưng viêm khớp như măng tươi, rau muống, cà pháo…; 
  • Tránh xa các chất kích thích trong rượu bia, cà phê, thuốc lá…; 

Sinh hoạt điều độ, tránh chấn thương

  • Nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục với các bộ môn nhẹ nhàng, đơn giản như đi bộ, đạp xe, chạy bộ, bơi lội… 
  • Tránh các bài tập đòi hỏi cường độ mạnh như bóng đá, bóng chuyền, tennis… vì rất dễ làm chấn thương khớp gối.
  • Trong sinh hoạt hàng ngày, bạn cần hạn chế những công việc yêu cầu dùng sức mạnh quá mức như khuân vác, lao động chân tay…
  • Không nên ngồi xổm thường xuyên.
  • Nên cần đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức hay chịu đựng áp lực kéo dài.
  • Tuân thủ lịch thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để sớm phát hiện các bất thường cũng như có hướng điều trị kịp thời. 
Thoái hóa khớp gối ở người trẻ
Luyện tập thể thao đều đặn mỗi ngày là cách tốt nhất để phòng ngừa thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối ở người trẻ ngày càng phổ biến hơn và đem đến những mối nguy cho sức khỏe cũng như hệ xương khớp. Vì vậy, hãy chủ động thăm khám và điều trị ngay từ giai đoạn sớm để bảo tồn chức năng khớp.

THAM KHẢO THÊM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger