Bệnh viêm khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Viêm khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh viêm khớp gối dù không nguy hiểm nhưng phức tạp và có thể gây biến chứng như teo cơ, bại liệt, mất khả năng vận động linh hoạt… Do đó, bạn cần hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, đồng thời có phương án phòng ngừa phù hợp.

Viêm khớp gối là gì? Các mức độ bệnh

Viêm khớp gối là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm và sưng đau ở khớp gối. Tình trạng này thường liên quan đến quá trình lão hóa tự như (viêm khớp do thoái hóa), chấn thương trong quá khứ, nhiễm trùng…

Bệnh viêm khớp gối phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến vận động
Bệnh viêm khớp gối phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến vận động

Bệnh được chia thành 4 mức độ, ở mỗi giai đoạn, bệnh sẽ có những đặc điểm riêng biệt. Cụ thể:

  • Giai đoạn sớm (khởi phát): Bệnh nhân chưa thấy các triệu chứng bất thường. Nếu chụp X-quang, thì sẽ thấy phần sụn khớp bị tổn thương nhẹ, khớp gối xuất hiện những gai nhỏ.
  • Giai đoạn nhẹ: Bệnh vẫn chưa có biểu hiện rõ ràng, nếu có thì chỉ thoáng qua. Qua chụp X-quang thấy lớp sụn khớp bị bào mòn mỏng hơn, xuất hiện nhiều gai xương hơn.
  • Giai đoạn giữa (bệnh tiến triển): Bệnh nhân cảm thấy đau nhức khó chịu, sưng đau ở đầu gối, cứng khớp và vận động khó khăn. Phim chụp X-quang thấy sụn khớp bị ăn mòn nhiều, tổn thương nhiều, đầu xương bị hẹp lại.
  • Giai đoạn nặng: Người bệnh cảm thấy đau nhức nặng nề. Các đầu xương hẹp, chạm sát nhau, có thể chồng lên nhau. Dịch bôi trơn khớp còn ít, lớp sụn bị vỡ thành nhiều mảnh hoặc bị ăn mòn hết. Một số trường hợp bệnh nhân bị biến dạng khớp.

Nguyên nhân bệnh viêm khớp gối

Bệnh viêm khớp gối do nhiều nguyên nhân gây ra, dưới đây là một số yếu tố dễ gây tổn thương:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ bị viêm khớp gối càng lớn, bởi hệ thống cơ xương khớp ngày càng lão hóa và dễ tổn thương.
  • Chấn thương: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chơi thể thao… gây chấn thương tại khớp gối, khiến bộ phận này bị rách phần sụn, nứt xương, đứt dây chằng… Nếu không điều trị triệt để có thể gây viêm nhiễm.
  • Thiếu chất dinh dưỡng: Ăn uống không khoa học khiến cơ thể thiếu hụt chất, nhất là canxi, magie, kali… Từ đó khiến khớp bị suy yếu, dễ tổn thương.
  • Đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế: Đứng lâu, ngồi xổm, đi lại nhiều, uốn cong đầu gối quá mức dễ gây ra bệnh viêm khớp gối.
  • Nhiễm khuẩn: Một số bệnh nhân bị viêm khớp do nhiễm khuẩn, khởi phát sau một đợt nhiễm trùng ở cơ quan khác.
  • Rối loạn chuyển hóa: Khi cơ thể bị rối loạn do hoạt động chuyển hóa purin sẽ làm tăng axit uric trong máu, dẫn đến bệnh gout. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng và gây viêm tới bất kỳ khớp nào trong cơ thể.
  • Rối loạn tự miễn: Hệ thống miễn dịch sản xuất ra quá nhiều kháng thể tấn công vào các mô trong bao khớp, khiến khớp bị viêm.
  • Di truyền: Người sinh ra trong gia đình có bố mẹ, ông bà bị đau nhức hoặc viêm xương khớp thì có nguy cơ cao bị bệnh.
  • Thừa cân: Người bị béo phì dễ bị bệnh viêm khớp gối hơn bình thường do trọng lượng cơ thể lớn, tạo áp lực lên vùng gối.
  • Giới tính: Viêm khớp gối thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, với bệnh viêm khớp dạng thấp thì tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn.
  • Lối sống thiếu lành mạnh: Người hút nhiều thuốc lá, thường xuyên sử dụng chất kích thích làm cản trở lưu thông máu đến khớp gối và gây ra viêm nhiễm.
Nguyên nhân gây viêm khớp gối chủ yếu là do tuổi già
Nguyên nhân gây viêm khớp gối chủ yếu là do tuổi già

LIÊN QUAN: 6 Nguyên Nhân Đau Đầu Gối Khi Mang Thai Và Cách Khắc Phục

Triệu chứng bệnh viêm khớp gối

Người bị bệnh viêm khớp gối thường thấy các triệu chứng sau:

  • Đau nhức khớp: Người bệnh có cảm giác đau nhức 1 bên hoặc đau 2 khớp gối. Cơn đau lúc đầu âm ỉ, sau thường xuất hiện đột ngột và trở nên nặng hơn. Bệnh nhân thấy đau hơn khi di chuyển, vận động, leo cầu thang hoặc sau khi thức dậy vào buổi sáng.
  • Khó vận động: Do phần sụn khớp bị bào mòn nên ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối. Người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển, đứng lên ngồi xuống, duỗi chân…
  • Cứng khớp: Hiện tượng này thường xuất hiện vào buổi sáng khi thức dậy, bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi và massage để triệu chứng thuyên giảm.
  • Sưng nóng tại khớp: Do phần khớp bị nhiễm trùng nên tích tụ nhiều chất lỏng khiến khớp bị sưng phồng, ấn vào thấy đau.
  • Khớp có tiếng kêu: Khi vận động, phần khớp gối có tiếng lạo xạo, lục khục do các đầu xương cọ xát vào nhau.
  • Tê yếu chân: Một số trường hợp bệnh viêm khớp gối nặng, bệnh nhân sẽ có triệu chứng tê yếu chi dưới.
  • Triệu chứng khác: Mệt mỏi, mất ngủ, sốt nhẹ…
Bệnh viêm khớp gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân
Bệnh viêm khớp gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân

Viêm khớp gối có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia xương khớp, viêm khớp gối là bệnh lý không nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ gây đau nhức khó chịu tại vùng bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu chủ quan không chữa trị sớm, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe như:

  • Giảm khả năng vận động, khó thực hiện các hoạt động như đi lại, co duỗi chân, leo cầu thang…
  • Biến dạng khớp, teo cơ, xuất hiện gai xương.
  • Người bệnh có nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ hoặc xuất hiện nhiều đốm nâu trên da.
  • Tàn phế, bại liệt, mất khả năng vận động.

Cách chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán bệnh viêm khớp gối, các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng.

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ hỏi bệnh nhân về triệu chứng, lịch sử y tế, kiểm tra các dấu hiệu bên ngoài bằng mắt thường. Sau đó, bác sĩ có thể chạm vào một số điểm trên đầu gối để đánh giá chức năng của khớp.
  • Cận lâm sàng: Người bệnh được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân, giai đoạn và mức độ bệnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI, xét nghiệm axit uric, xét nghiệm kháng thể…

Phương pháp điều trị viêm khớp gối hiệu quả

Để chữa viêm khớp gối, người bệnh có thể lựa chọn một trong các biện pháp dưới đây:

Điều trị tại nhà

Chữa đau khớp gối tại nhà là phương pháp thường được áp dụng khi bệnh nhân mới thấy xuất hiện các triệu chứng đau nhức. Một số cách giảm đau do bệnh viêm khớp gối mọi người có thể tự thực hiện như:

  • Chườm nóng, chườm lạnh
  • Nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý
  • Tập luyện các bài tập phù hợp
Các bài tập tại nhà có thể giúp khớp gối đỡ đau nhức và dẻo dai hơn
Các bài tập tại nhà có thể giúp khớp gối đỡ đau nhức và dẻo dai hơn

Hoặc bệnh nhân áp dụng chữa viêm khớp gối bằng thuốc nam. Các thảo dược quen thuộc, có sẵn trong vườn nhà được bào chế thành thuốc uống, đắp, chườm giúp giảm đau hiệu quả. Các bài thuốc dân gian chữa bệnh viêm khớp được ưa chuộng gồm:

Cách chữa bệnh viêm khớp gối tại nhà an toàn, lành tính nhưng hiệu quả không cao, chỉ dùng cho trường hợp bệnh nhẹ. Các bài thuốc dân gian chỉ có công dụng giảm đau một phần, không trị bệnh dứt điểm. Với những bệnh nhân bị viêm nặng, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị theo phác đồ.

Chữa viêm khớp gối bằng thuốc Tây

Thuốc Tây có tác dụng giảm đau, giảm viêm nhanh, giúp bệnh nhân mau chóng cảm thấy dễ chịu. Vậy viêm đau khớp gối uống thuốc gì? Dưới đây là những loại thuốc trị viêm khớp gối thường được kê toa.

  • Thuốc giảm đau: Acetaminophen, Paracetamol… Có công dụng giảm đau nhức do viêm.
  • Thuốc kháng viêm không Steroid: Ibuprofen, Diclofenac… Công dụng kháng viêm, giảm đau. Thuốc có dạng uống, kem bôi hoặc miếng dán.
  • Thuốc chống thấp khớp DMARDs: Methotrexate, Hydroxychloroquine… Dùng trong trường hợp bị viêm khớp dạng thấp, có công dụng ngăn chặn không để hệ miễn dịch tấn công vào khớp gối.
  • Thuốc Corticoid: Có công dụng kháng viêm mạnh, dùng trong trường hợp bệnh viêm khớp gối nặng, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm thông thường không có tác dụng. Thuốc có dạng uống hoặc tiêm trực tiếp.
  • Thuốc sinh học: Có công dụng điều chỉnh hệ miễn dịch.
  • Thuốc làm giảm axit uric
  • Thuốc Glucosamine và Chondroitin

Khuyến cáo: Các loại thuốc Tây y chữa bệnh viêm khớp gối dễ gây tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt, suy gan thận, đau dạ dày… Nếu dùng lâu có thể bị nhờn thuốc.

Hơn nữa, thuốc tân dược chỉ giúp giảm đau, không thể trị bệnh dứt điểm, bệnh có khả năng cao tái phát trở lại. Do đó, bệnh nhân cần thận trọng khi lựa chọn thuốc Tây y để điều trị.

Thuốc Tây giảm đau nhanh nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe và dạ dày, gan, thận
Thuốc Tây giảm đau nhanh nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe và dạ dày, gan, thận

Vật lý trị liệu

Phương pháp này sử dụng các tác động vật lý vào khớp gối, giúp giảm viêm sưng, đau nhức, phục hồi khả năng vận động của người bệnh. Vật lý trị liệu thường sử dụng kết hợp với thuốc uống để tăng hiệu quả.

Một số biện pháp vật lý trị liệu chữa bệnh viêm khớp gối gồm:

  • Kích thích điện
  • Chườm nóng
  • Chiếu đèn hồng ngoại
  • Thủy trị liệu
  • Nhiệt trị liệu
  • Bài tập vật lý trị liệu hoặc tập yoga chữa viêm khớp gối: Tư thế chiến binh, tư thế con mèo, tư thế cây cầu…

Phẫu thuật

Phẫu thuật viêm khớp gối là biện pháp điều trị cuối cùng, áp dụng trong những trường hợp sau:

  • Bệnh viêm khớp gối chuyển biến nghiêm trọng
  • Không đáp ứng được các phương pháp chữa bệnh khác
  • Bệnh gây đau nhức dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động
  • Sụn khớp bị phá hủy, bệnh nhân đã gặp biến chứng, chân có nguy cơ bị tàn phế.

Những phương pháp mổ viêm khớp phổ biến gồm:

  • Phẫu thuật nội soi khớp
  • Cấy ghép sụn khớp
  • Thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối…

Lưu ý: Phương pháp này có thể gây biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, đau nhức kéo dài sau mổ, sức khỏe suy giảm, bệnh vẫn có thể tái phát…

Điều trị viêm khớp gối bằng Đông y

Đông y là cách chữa bệnh viêm khớp gối được rất nhiều bệnh nhân lựa chọn hiện nay. Bởi phương pháp này điều trị bệnh theo hướng bảo tồn, đề cao khả năng tự phục hồi của cơ thể, vừa an toàn, vừa mang lại hiệu quả cao.

Y học cổ truyền đẩy lùi bệnh từ căn nguyên, cân bằng âm dương, lưu thông khí huyết, hỗ trợ sản sinh dịch khớp và nâng cao chức năng phủ tạng, tăng cường sức khỏe cho người bệnh.

Phẫu thuật là biện pháp chữa viêm khớp gối hiện đại nhất hiện nay, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Phẫu thuật là biện pháp chữa viêm khớp gối hiện đại nhất hiện nay, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Để trị bệnh, y học cổ truyền sử dụng các bài thuốc Đông y từ thảo dược tự nhiên, thành phần được điều chỉnh theo mức độ bệnh của mỗi người. Một số phương thuốc được sử dụng trong chữa bệnh viêm khớp gối như:

  • Bài thuốc 1: Kim ngân hoa, đương quy, ngưu tất, hoàng kỳ, tần giao, tang ký sinh, tang chi…
  • Bài thuốc 2: Thổ phục linh, cỏ trinh nữ, sinh địa, quế chi, cỏ xước, hà thủ ô, thiên niên kiện, lá lốt…
  • Bài thuốc 3: Phục linh, đương quy, can khương, bạch thược, sinh khương, bạch chỉ, nhục quế… 

Các bài thuốc Đông y có tác dụng từ từ do phải điều trị từ gốc, do đó bệnh nhân cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần đến các cơ sở khám Đông y uy tín để bắt mạch và uống thuốc theo chỉ định của các thầy thuốc, không tự mua thuốc về sắc uống.

Bệnh viêm khớp gối nên ăn gì, kiêng gì?

Người bệnh viêm khớp gối nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học để mau chóng hết đau nhức khó chịu. Dưới đây là danh sách những thực phẩm bệnh nhân nên ăn và nên kiêng.

Viêm khớp gối nên ăn gì?

  • Thực phẩm giàu canxi: Sữa, phô mai, các loại đậu, hạnh nhân…
  • Nước hầm xương sườn và xương ống
  • Các loại cá béo: Cá hồi, cá ngừ, cá trích…
  • Rau xanh và trái cây tươi
  • Các gia vị có khả năng kháng viêm: Gừng, tỏi…
  • Thực phẩm giàu vitamin D, magie, kali…

Viêm khớp gối kiêng ăn gì?

  • Thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh…
  • Các loại thịt đỏ
  • Đồ ăn nhiều muối hoặc đường
  • Thực phẩm chứa lượng cholesterol cao
  • Thuốc lá, bia, rượu, đồ uống có cồn, chất kích thích…
Bệnh nhân cần kiêng tuyệt đối bia rượu, thuốc lá để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị
Bệnh nhân cần kiêng tuyệt đối bia rượu, thuốc lá để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị

Cách phòng ngừa bệnh viêm khớp gối

Để ngăn ngừa bệnh viêm khớp gối, người bệnh nên thực hiện những điều sau:

  • Không đứng hoặc ngồi ở một tư thế quá lâu. Thường xuyên đi lại nhẹ nhàng, ngồi nghỉ để khớp gối không bị tổn thương.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, không để béo phì, thừa cân.
  • Tập thể dục hàng ngày để khớp dẻo dai và tăng cường sức khỏe. Chú ý tập các bài nhẹ nhàng, không tập quá sức.
  • Uống đủ nước hàng ngày.
  • Khi có chấn thương, bệnh nhân cần điều trị triệt để để tránh khớp gối bị viêm.
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất để nuôi dưỡng khớp và cơ thể.
  • Không mang vác vật nặng.
  • Không hút thuốc lá, có chế độ sinh hoạt lành mạnh.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.

Bệnh viêm khớp gối ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động và cuộc sống. Do đó, bệnh nhân cần hiểu rõ và nắm chắc những thông tin trong bài viết trên đây để có biện pháp bảo vệ sức khỏe.

THAM KHẢO THÊM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger