Suy Thận Độ 3: Triệu Chứng Và Giải Pháp Điều Trị Tốt Nhất

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Thận Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Suy thận độ 3 được xem là giai đoạn trung bình của bệnh suy thận, có độ lọc cầu thận ước tính eGFR nằm trong khoảng 30 – 59. Ở giai đoạn này bệnh nhân có những triệu chứng rõ ràng, tổn thương thận có thể được kiểm soát tốt.

Suy thận độ 3
Suy thận độ 3 là giai đoạn trung bình của bệnh suy thận, eGFR nằm trong khoảng 30 – 59

Suy thận độ 3 là gì?

Suy thận mạn xảy ra khi thận có những tổn thương vĩnh viễn và mất dần chức năng theo thời gian. Bệnh được phân thành 5 giai đoạn dựa trên mức độ tổn thương và sự suy giảm chức năng của thận.

Trong đó suy thận độ 3 (hay suy thận giai đoạn 3) là giai đoạn giữa của bệnh suy thận. Người bệnh có thận tổn thương ở mức độ trung bình, vẫn còn hoạt động đủ tốt và không cần áp dụng những phương pháp can thiệp sâu (chạy thận nhân tạo và ghép thận).

Kết quả xét nghiệm cho thấy, những người bị suy thận độ 3 sẽ có độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) nằm trong khoảng 30 – 59. Bệnh thận không thể chữa khỏi và những tổn thương không thể phục hồi.

Tuy nhiên thuốc và lối sống lành mạnh có thể ngăn suy thận giai đoạn 3 chuyển sang những mức độ nghiêm trọng hơn (suy thận độ 4 hoặc 5). Điều này cũng giúp cải thiện tiên lượng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

TÌM HIỂU THÊM: Giải Đáp Suy Thận Độ Mấy Thì Phải Chạy Thận?

Phân loại suy thận độ 3

Dựa trên độ lọc cầu thận ước tính (eGFR), bệnh suy thận giai đoạn 3 sẽ được phân thành 2 giai đoạn phụ, thể hiện cho mức độ nghiêm trọng khác nhau. Cụ thể:

  • Giai đoạn 3a: Độ lọc cầu thận ước tính eGFR từ 45 – 59. Thận bị tổn thương ở mức nhẹ.
  • Giai đoạn 3b: Độ lọc cầu thận ước tính eGFR từ 30 – 44. Thận bị tổn thương ở mức trung bình. Việc điều trị không tích cực có thể khiến bệnh chuyển sang giai đoạn 4.
Bệnh suy thận độ 3 sẽ được phân thành 2 giai đoạn phụ gồm suy thận độ 3a và 3b
Bệnh suy thận độ 3 sẽ được phân thành 2 giai đoạn phụ gồm suy thận độ 3a và 3b

Nguyên nhân gây suy thận độ 3

Không phát hiện hoặc/ và không điều trị bệnh thận giai đoạn 1, 2 là nguyên nhân trực tiếp của suy thận độ 3. Trên thực tế, phần lớn bệnh nhân suy thận đều phát hiện bệnh lý ở giai đoạn 3, khi những triệu chứng đã đa dạng và rõ ràng.

Suy thận độ 1 và 2 là mức độ nhẹ của bệnh, thận có tổn thương thực thể nhưng không có triệu chứng. Điều này gây khó khăn trong việc phát hiện và điều trị sớm tình trạng. Một số trường hợp tình cờ phát hiện bệnh thận giai đoạn đầu khi được khám sàng lọc.

Dưới đây là những nguyên nhân gây suy thận mạn tính:

  • Tắc nghẽn dòng nước tiểu: Bất kỳ tình trạng nào gây tắc nghẽn dòng nước tiểu cũng có thể dẫn đến suy thận mạn. Chẳng hạn như phì đại tuyến tiền liệt. Khi dòng tiểu bị đứt quãng, những chất cận bã cần đào thải không thể ra khỏi cơ thể. Điều này khiến chúng tích tụ và gây ra những thương tổn cho thận.
  • Những bệnh lý ở thận: Bệnh lý ở thận không được kiểm soát khiến những thương tổn ngày càng tiến triển và gây suy giảm chức năng thận theo thời gian. Tình trạng này thường liên quan đến:
    • Bệnh thận đa nang
    • Thận yếu
    • Nhiễm trùng thận
    • Viêm cầu thận
  • Gián đoạn nguồn cung cấp máu: Bệnh mạch máu (hẹp động mạch thận, viêm mạch, bệnh thận thiếu máu cục bộ), thiếu máu do phẫu thuật / chấn thương, quá tải với chất độc hại… làm suy giảm nguồn cung cấp máu cho thận. Điều này khiến thận không được nuôi dưỡng và hoạt động bình thường, tổn thương thận theo thời gian. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân đột ngột bị gián đoạn nguồn cung cấp máu dẫn đến đến suy thận cấp tính và tử vong nếu không kịp thời điều trị.
  • Bệnh tiểu đường và cao huyết áp: Bệnh suy thận mạn tính thường liên quan đến tiểu đường đường và cao huyết áp. Quá nhiều glucose trong máu khiến các bộ lọc nhỏ trong thận nhanh chóng bị tổn thương. Trong khi đó bệnh cao huyết áp khiến những mạch máu nhỏ ở thận chịu nhiều áp lực và gây ra những tổn thương ở thận.
  • Cholesterol cao: Cholesterol cao làm tích tụ chất béo trong mạch máu, cản trở dòng máu đến thận. Điều này gây ra những tổn thương tiến triển.
  • Thuốc điều trị: Một số thuốc điều trị khiến thận cần hoạt động nhiều hơn để đào thải. Quá tải với chất độc hại sẽ khiến thận bị tổn thương.

Triệu chứng của suy thận độ 3

Ở giai đoạn 3, bệnh suy thận có thể gây ra những triệu chứng dưới đây:

Mệt mỏi suy nhược thường xuyên
Mệt mỏi suy nhược thường xuyên, đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường là triệu chứng của suy thận độ 3
  • Mệt mỏi hoặc cảm thấy yếu ớt
  • Suy nhược, xanh xao và một vài biểu hiện liên quan đến thiếu máu khác
  • Giữ nước với biểu hiện sưng (phù) tứ chi
  • Khó thở
  • Thay đổi nước tiểu
    • Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
    • Nước tiểu có bọt
    • Nước tiểu có màu cam sẫm, nâu, màu trà hoặc màu đỏ nếu có máu
  • Đau lưng dưới
  • Khó ngủ do hội chứng chân không yên hoặc chuột rút cơ bắp
  • Da khô và ngứa

Người bệnh cần khám bác sĩ ngay khi có một trong những biểu hiện nêu trên

Suy thận độ 3 có chữa được không?

Theo các chuyên gia, bệnh suy thận giai đoạn 3 thường được coi là không thể đảo ngược. Điều này có nghĩa điều trị không thể giúp giải quyết tình trạng, thận tổn thương không thể phục hồi như ban đầu.

Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân bị suy thận độ 3 không tiến triển sang giai đoạn nặng hơn khi được điều trị tích cực. Những trường hợp này có thể sống đến 20 năm.

Tùy thuộc vào một số yếu tố, bệnh suy thận có thể tiến triển nhanh hoặc chậm. Bao gồm độ tuổi, chẩn đoán cơ bản, phương pháp điều trị và những biện pháp phòng ngừa thứ cấp.

Một số nghiên cứu cho thấy, những người có bệnh thận tiến triển nhanh thường có một trong những yếu tố dưới đây:

  • Albumin niệu cao hơn
  • Mức lọc cầu thận ước tính thấp hơn (eGFR)
  • Nam giới
  • Tuổi trẻ hơn

Biến chứng của suy thận độ 3

Suy thận độ 3 là một bệnh lý nguy hiểm. Về cơ bản, bệnh lý này có thể nhanh chóng tiến triển đến giai đoạn 4 và 5 (suy thận giai đoạn cuối). Từ đó làm tăng nguy cơ tử vong.

Ngoài ra triệu chứng và những biến chứng nghiêm trọng của bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và giảm chất lượng đời sống, người bệnh thường xuyên mệt mỏi và thiếu năng lượng.

Một số biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân bị suy thận giai đoạn 3:

  • Thiếu máu
  • Suy dinh dưỡng
  • Bệnh lý xương khớp (như xương yếu, rối loạn khớp…)
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh lý cơ tim, rối loạn nhịp tim, đau ngực, viêm màng ngoài tim khô, bệnh van tim, bệnh mạch vành
  • Tiểu đường
  • Rối loạn cân bằng nước và điện giải
  • Tích tụ chất lỏng trong phổi gây khó thở
Biến chứng của suy thận độ 3 gồm thiếu máu
Biến chứng của suy thận độ 3 gồm thiếu máu, suy dinh dưỡng, những bệnh lý ở tim mạch

Chẩn đoán bệnh suy thận độ 3

Người bệnh cần khám bác sĩ nếu trước đó có chẩn đoán suy thận giai đoạn 1 hoặc 2, xuất hiện một số triệu chứng bất thường liên quan đến rối loạn chức năng thận. Để chẩn đoán suy thận độ 3, người bệnh được kiểm tra lâm sàng kết hợp cận lâm sàng với những xét nghiệm thích hợp.

1. Kiểm tra lâm sàng

Trong quá trình thăm khám, người bệnh được kiểm tra triệu chứng, độ tuổi, tiền sử bệnh thận hoặc các tình trạng liên quan (cao huyết áp, bệnh tiểu đường…). Một sô người được kiểm tra tiền sử gia đình.

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Những xét nghiệm được chỉ định trong chẩn đoán suy thận độ 3:

  • Kiểm tra chỉ số huyết áp: Giúp đánh giá chức năng thận. Những người có thận yếu hoặc suy thận thường có huyết áp tăng cao.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Bệnh nhân thường được xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ albumin và creatinine (ACR). Sự bất thường của những chỉ số có thể phản ánh những tổn thương và sự suy giảm chức năng của thận. Trong nhiều trường hợp, người bệnh được đo thể tích nước tiểu để kiểm tra lượng nước tiểu bất thường (tăng hoặc giảm trên mức bình thường).
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra độ lọc cầu thận ước tính (eGFR), xác định chính xác những giai đoạn của bệnh suy thận. Ngoài ra xét nghiệm máu cũng được sử dụng để kiểm tra sự tích tụ của những chất thải trong máu, chẳng hạn như urê… Nồng độ urê huyết tăng cao do hiệu quả làm việc của thận không được đảm bảo.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Siêu âm thận được thực hiện để kiểm tra kích thước và cấu trúc của thận. Trong một số trường hợp, chụp MRI hoặc chụp CT cũng được sử dụng để xem những bất thường ở thận. Chẳng hạn như sự phát triển của tế bào ác tính, tắc nghẽn mạch máu, tắc ống thận…
  • Sinh thiết thận: Ít khi sinh thiết thận được chỉ định. Kỹ thuật này chủ yếu được thực hiện nhằm phân biệt suy thận với những bệnh lý nghiêm trọng khác.

Phương pháp điều trị suy thận độ 3

Trong điều trị suy thận độ 3, người bệnh được áp dụng phương pháp bảo tồn, chưa cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp bảo tồn chức năng thận, ngăn tổn thương và suy thận tiến triển.

Cụ thể những phương pháp thường được chỉ định trong điều trị suy thận độ 3:

1. Điều trị y tế

Người bệnh được kê một số thuốc trị suy thận để bảo tồn chức năng thận và ngăn ngừa biến chứng. Cụ thể:

Thuốc Kerendia (Finerenone)
Thuốc Kerendia (Finerenone) được dùng để điều trị suy thận mạn tính có suy giảm GFR kéo dài
  • Kerendia (Finerenone): Đây là một loại thuốc chống dị ứng không steroid. Thuốc này đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân bị suy giảm GFR kéo dài, suy thận giai đoạn cuối, suy thận gây biến chứng tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim không tử vong), suy tim do tiểu đường tuýp 2 ở bệnh nhân bị suy thận.
  • Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE): Thường được dùng trong điều trị suy thận để kiểm soát tăng huyết áp. Thuốc có tác dụng làm giảm tốc độ chuyển thành Angiotensin II của Angiotensin I. Điều này giúp giãn mạch, ổn định / giảm sức cản ngoại vi, hạ huyết áp. Ngoài ra thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE) cò có khả năng bảo vệ thận và tim mạch khỏi tình trạng tái cấu trúc.
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): Tương tự như thuốc nhóm ACE, thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB) cũng được dùng để kiểm soát huyết áp cho những bệnh nhân bị suy thận. Thuốc có tác dụng ức chế Angiotensin II và làm giãn mạch máu. Điều này giúp ổn định huyết áp, bảo vệ tim và thận. Thuốc cũng có tác dụng điều trị suy thận ở bệnh nhân bị đái tháo đường và suy tim.
  • Thuốc điều trị tiểu đường: Dựa trên tình trạng cụ thể, một loại thuốc điều trị tiểu đường được dùng để điều chỉnh nồng độ glucose trong máu. Từ đó ngăn biến chứng tiểu đường ở người suy thận. Đồng thời ngăn glucose tăng cao khiến tổn thương thận thêm nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng.
  • Thuốc chống thiếu máu: Suy thận độ 3 có thể gây thiếu máu dẫn đến mệt mỏi, cơ thể suy nhược xanh xao. Những trường hợp này thường được yêu cầu dùng thuốc chống thiếu máu hoặc bổ sung sắt để kiểm soát tình trạng. Thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình sản sinh tế bào hồng cầu. Từ đó ngăn ngừa và điều trị thiếu máu. 
  • Thuốc bổ sung canxi/ vitamin D: Để ngăn gãy xương do thiếu hụt canxi và suy thận, bệnh nhân được dùng thuốc bổ sung canxi hoặc/ và vitamin D kết hợp với chế độ ăn uống. Vitamin D giúp tăng hấp thụ canxi. Trong khi đó canxi có khả năng bảo vệ hệ xương khớp.
  • Thuốc làm giảm cholesterol: Người bệnh được dùng statin hoặc một loại thuốc làm giảm cholesterol khác để điều trị suy thận do tăng cholesterol xấu. Thuốc giúp làm giảm nguy cơ phát triển các biến chứng về tim.
  • Thuốc lợi tiểu: Được dùng để giảm phù nề do suy thận độ 3. Thuốc giúp cân bằng chất lỏng trong cơ thể, giảm lượng chất lỏng dư thừa, ngăn tình trạng giữ nước.

2. Thay đổi lối sống và ăn uống

Chế độ ăn uống đặc biệt quan trọng đối với bệnh suy thận giai đoạn 3. Thận tổn thương không thể cân bằng chất điện giải và loại bỏ chất thải đầy đủ. Vì thế người bệnh cần tránh ăn những loại thực phẩm không phù hợp để phòng ngừa quá tải chất thải ở thận. Cụ thể như:

  • Không ăn nhiều natri. Cần cắt giảm thức ăn mặn và tránh thêm nhiều muối trong khi chế biến thức ăn.
  • Giảm protein
  • Hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm chứa nhiều phốt phát
  • Tránh dùng thực phẩm giàu kali (như chuối, cam, khoai tây và cà chua) nếu mức kali quá cao do suy thận
  • Hạn chế chất béo bão hòa và những loại thực phẩm chế biến sẵn
  • Ngừng sử dụng rượu bia.

Để cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng do suy thận độ 3, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống thân thiện với thận. Dưới đây là một số nguyên tắc cần được áp dụng:

  • Đảm bảo nhận đủ calo và chất dinh dưỡng từ thực phẩm lành mạnh.
  • Ăn protein động vật (như trứng, thịt, sữa) thay vì protein thực vật.
  • Ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây và rau củ.
  • Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin, đặc biệt là vitamin A, B, C, D và E.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 1,5 – 2,5 lít nước.
Xây dựng chế độ ăn uống thân thiện với thận
Xây dựng chế độ ăn uống thân thiện với thận để hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng do suy thận độ 3

Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh cần thay đỏi lối sống khi sống chung với bệnh suy thận độ 3. Điều này giúp quản lý suy thận và ngăn sự phát triển của một vài biến chứng. Cụ thể:

  • Người bệnh được yêu cầu nghỉ ngơi hợp lý trong quá trình điều trị và phục hồi sau suy thận độ 3. Tránh lao động nặng nhọc, vận động gắng sức.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia, nhịn tiểu…
  • Nên hoạt động thể chất tối thiểu 30 phút/ ngày với những bộ môn và bài tập có cường độ thích hợp. Điều này giúp bảo tồn thận, hỗ trợ thận và các cơ quan làm việc tốt hơn. Tham khoa ý kiến bác sĩ để bắt đầu một chương trình luyện tập an toàn.
  • Thường xuyên kiểm tra huyết áp, nhịp tim và đường máu trong thời gian sống chung với bệnh suy thận. Bởi sự tăng cao của những chỉ số có thể khiến bệnh suy thận của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.

ĐỌC NGAY:  Chia Sẻ Thực Đơn Cho Người Suy Thận Độ 3 Bổ Sung Dinh Dưỡng

3. Lọc máu

Nếu bị suy thận độ 3b, một vài trường hợp có thể cần lọc máu. Phương pháp này có khả năng thay thế thận loại bỏ chất thải trong máu. Có 2 kỹ thuật lọc máu gồm:

  • Chạy thận nhân tạo: Máu từ cơ thể di chuyển đến máy chạy thận (thận nhân tạo) để loại bỏ chất thải. Sau đó máu sạch di chuyển trở lại cơ thể để đảm bảo sức khỏe được ổn định.
  • Thẩm phân phúc mạc: Túi dịch được dùng để hấp thu chất thải từ những mạch máu nhỏ trong phúc mạc. Thông qua ống thông được gắn vào niêm mạc bụng, dụng dịch gồm muối và nước di chuyển vào trong, hấp thu chất thải và nước dư thừa, từ từ di chuyển trở lại túi để làm sạch máu.

Suy thận độ 3 sống được bao lâu?

Về cơ bản, suy thận độ 3 có tuổi thọ cao hơn so với những giai đoạn tiến triển của bệnh. Khi được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân có thể sống được 20 năm. Tuổi thọ cụ thể có thể thay đổi dựa trên lối sống, giới tính và tuổi tác.

Một số nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ trung bình khoảng 24 năm đối với nam giới có độ tuổi 40 và 28 tuổi đối với nữ giới có độ tuổi 40. Tuy nhiên không ít trường hợp suy thận giai đoạn 3 phát triển đến những giai đoạn nặng hơn.

Biện pháp ngăn ngừa suy thận độ 3

Một số biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ suy thận độ 3:

Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe tổng thể, duy trì hoạt động của thận
  • Kiểm tra chức năng thận định kỳ 1 – 2 lần/ năm. Bởi suy thận giai đoạn nhẹ thường không có triệu chứng, rất khó để phát triển.
  • Điều trị tích cực nếu bị suy thận giai đoạn 1 và 2.
  • Thực hiện và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh thừa cân béo phì.
  • Luôn dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tránh tự ý sử dụng thuốc điều trị, không dùng thuốc liều cao hoặc quá liều quy định. Đặc biệt là các thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc lithium.
  • Không lạm dụng rượu bia.
  • Ngừng sử dụng thuốc lá và những chất kích thích.
  • Tránh ăn thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo kém lành mạnh. Chẳng hạn như nhóm thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp, bánh kẹo ngọt, nội tạng động vật, thức ăn rán hoặc chiên xào nhiều dầu mỡ…
  • Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng. Đặc biệt nên ăn nhiều rau xanh, củ và trái cây tươi, protein nạc, dầu oliu, các loại cá giàu axit béo omega-3…
  • Uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ thận đào thải chất cặn bã.
  • Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, tối thiểu 30 phút/ ngày. Điều này giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, đề kháng và hệ miễn dịch, duy trì hoạt động của những cơ quan, tăng tuần hoàn máu và ngăn ngừa những nguyên nhân gây suy thận.
  • Luôn suy nghĩ tích cực, thoải mái và lạc quan. Nên kiểm soát tâm trạng, tránh lo âu, buồn rầu và căng thẳng quá mức.

Suy thận độ 3 là giai đoạn trung bình của bệnh suy thận, thận vẫn còn hoạt động tốt, chưa bị mất chức năng hoàn toàn. Việc điều trị tích cực có thể ngăn tổn thương thận tiến triển, giảm nguy cơ tử vong và biến chứng. Vì vậy bạn cần sớm thăm khám và chữa bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

THÔNG TIN HỮU ÍCH

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
Zalo
Messenger