Thoái Hoá Khớp Vai: Nguyên nhân, Cách chẩn đoán, Điều trị
Thoái hóa khớp vai là tình trạng lớp sụn khớp ở vai bị bào mòn gây đau nhức và hạn chế khả năng vận động. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng vận động, sự linh hoạt vai và hai tay.
Thoái hóa khớp vai là bệnh gì?
Khớp vai là một trong những khớp xương quan trọng trên cơ thể nhằm thực hiện các cử động từ đơn giản đến phức tạp trong sinh hoạt hàng ngày. Về cấu tạo giải phẫu, khớp vai được cấu tạo từ 3 khớp xương gồm xương cánh tay trên, xương đòn và xương bả vai.
Để thực hiện các cử động xoay tròn hay lên xuống dọc theo cơ thể nhịp nhàng cần phải nhờ vào khớp GH (glenohumeral) nối giữa đỉnh xương cánh tay đến xương bả vai và khớp AC (acromioclavicular) nối giữa xương đòn đến xương bả vai.
Thoái hóa khớp vai là một dạng của bệnh thoái hóa khớp xảy ra ở khớp vai. Trong đó, sụn bảo vệ đầu của các xương tạo thành khớp vai bị mòn dần, dẫn đến việc ma sát và đè nén giữa các xương khi vai vận động. Điều này gây đau đớn, cứng khớp và hạn chế động tác của vai, làm ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Có 2 dạng thoái hóa khớp vai phổ biến nhất là khớp ổ chảo – cánh tay và khớp cùng – đòn. Bệnh có thể do lão hóa, chấn thương, hoặc tình trạng viêm khớp khác gây ra. Điều trị bao gồm các biện pháp như vận động hợp lý, sử dụng thuốc, liệu pháp vật lý. Trong một số trường hợp, phẫu thuật được cân nhắc để khôi phục chức năng của khớp vai.
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp vai
Tương tự như các dạng thoái hóa khớp khác, thoái hóa khớp vai thường xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân chính gồm:
1. Nguyên nhân từ bên ngoài
Nhóm nguyên nhân này chủ yếu xảy ra ở những người trẻ tuổi, cụ thể là do:
- Ảnh hưởng từ các chấn thương, tai nạn: Các chấn thương, va chạm mạnh do gặp tai nạn khi chơi thể thao, tai nạn giao thông, biến chứng sau phẫu thuật… thường sẽ gây ra những tổn thương nặng nề đến xương khớp, trong đó có khớp vai. Ngay tại thời điểm này bệnh nhân thường bị trật khớp hoặc gãy xương là chính. Tuy nhiên khi đã chữa khỏi hoặc sau đó vài năm thoái hóa khớp vai bắt đầu khởi phát từ chính tổn thương này.
- Thói quen trong sinh hoạt và làm việc: Thường xuyên thực hiện các tư thế ngồi, đứng hay hay làm việc sai khiến hai vai luôn trong tình trạng căng cứng, chịu áp lực lớn và dẫn đến thoái hóa. Tình trạng này thường xảy ra ở những người có tính chất công việc phải thường xuyên mang vác vật nặng trên vai hoặc vận động viên bóng rổ, cử tạ…
2. Nguyên nhân từ bên trong
Chiếm hầu hết các trường hợp bệnh. Gồm:
- Độ tuổi: Tuổi tác càng cao quá trình lão hóa càng nhanh. Đây là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến chức năng xương khớp, trong đó có khớp vai. Chủ yếu xảy ra ở người trên 50 tuổi.
- Di truyền: Những người mang yếu tố thoái hóa bẩm sinh, từ khi sinh ra đã có khớp vai yếu, không khỏe mạnh, hệ thống xương không hoàn chỉnh thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.
- Thiếu dưỡng chất: Thực đơn ăn uống hàng ngày không khoa học, thiếu hụt dưỡng chất thường có nguy cơ thoái hóa sớm. Đặc biệt ở những người nghiện rượu bia, thuốc lá.
- Thừa cân, béo phì: Mặc dù không phải chịu áp lực quá lớn từ trọng lượng cơ thể như khớp háng hay khớp gối, nhưng khớp vai vẫn có nguy cơ bị thoái hóa do thừa cân, béo phì. Một người bị béo phì thường có chỉ số BMI ≥ 30.
- Giới tính: Một vài nghiên cứu cho thấy hầu hết các dạng thoái hóa khớp, trong đó có khớp vai thường có xu hướng xuất hiện ở phụ nữ.
- Mắc các bệnh tự miễn: Một số bệnh viêm khớp tự miễn như gout, viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp nhiễm trùng không chữa khỏi dứt điểm có thể gây tác động tiêu cực đến khớp vai. Từ đó kéo theo các biểu hiện thoái hóa do lớp sụn khớp bị bào mòn.
Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp vai
Hầu hết người bệnh bị thoái hóa khớp vai thường rất khó để nhận biết trong giai đoạn đầu do các triệu chứng khá mờ nhạt. Các cơn đau nhức ban đầu thường bị nhầm lẫn là do cơ vai hoạt động quá mức hoặc bị tác động vật lý mạnh.
Tuy nhiên, khi khớp đã bị thoái hóa hoàn toàn sẽ biểu hiện thông qua nhiều triệu chứng hơn như sau:
Đau nhức 2 vai
- Hai bên bả vai của người bệnh bị đau nhức, khó chịu mỗi khi chuyển động vai, cánh tay, khó đưa tay cao qua khỏi đầu;
- Ban đầu cơn đau chỉ ở mức độ nhẹ, hơi âm ỉ và khó chịu, nhưng theo thời gian mức độ đau ngày càng có xu hướng tăng dần và nặng hơn, tần suất xuất hiện liên tục, âm ỉ kéo dài, đặc biệt đau nhiều vào ban đêm;
- Ngoài ra, thời tiết thay đổi đột ngột cũng là yếu tố khởi phát cơn đau vai;
Cứng khớp vai
- Đây là triệu chứng khá phổ biến ở những người bị thoái hóa khớp vai. Tình trạng cứng khớp khiến đôi vai mất đi sự linh hoạt, dẻo dai vốn có, thay vào đó là sự căng cứng, khó cử động hoặc thậm chí bất động khi bệnh diễn tiến ở giai đoạn nặng.
- Triệu chứng này thường xuất hiện chủ yếu vào sáng sớm sau khi ngủ dậy hoặc duy trì một tư thế quá lâu, gây ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo hay khả năng cầm nắm đồ vật.
Sưng khớp
Ngoài đau nhức, tình trạng sụn khớp vai bị thoái hóa còn gây ra sự ma sát giữa các khớp, kích thích các mô mềm sưng lên. Khi quan sát có thể thấy tại vị trí khớp vai bị tổn thương nhô lên cao hơn bề mặt da, ửng đỏ, sờ vào có cảm giác nóng ấm và đau khi ấn mạnh vào.
Ở thời điểm ban đầu, mức độ sưng thường nhẹ và khó để phát hiện. Nhưng theo thời gian, mức độ sưng ngày càng nghiêm trọng và kèm theo nhiều triệu chứng khác như ê buốt, tê cứng liên tục gây khó khăn cho việc điều trị.
Phát ra âm thanh lục cục
Khi cử động khớp vai bị thoái hóa sẽ tạo ra những âm thanh lục cục, lạo xạo bên trong. Đây là dấu hiệu cho thấy khớp xương vai đang rất lỏng lẻo, thiếu dịch khớp.
Yếu cơ, teo cơ
Tình trạng thoái hóa gây đau nhức, sưng đỏ tại khớp vai khiến người bệnh có xu hướng chế tối đa việc vận động nhằm hạn chế các triệu chứng. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà khớp vai dần yếu hơn, căng cứng, teo cơ và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.
Bị thoái hóa khớp vai có nguy hiểm không?
Không riêng gì thoái hóa khớp vai, bất kỳ bệnh lý thoái hóa khớp nào cũng đều tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Một vài biến chứng thường gặp như:
- Lớp sụn khớp bị phá hủy gây đau nhức khi cử động, khớp vai không còn khả năng cử động linh hoạt;
- Phát triển các gai xương tại phần sụn khớp bị thoái hóa làm tổn thương các mô mềm và các dây thần kinh khiến cánh tay bị tê liệt;
- Mất sụn khớp dẫn đến tổn thương xương và tăng nguy cơ làm xuất hiện khối u. Hầu hết các khối u thường là dạng lành tính nhưng chúng vẫn gây đau nhức, hạn chế khả năng vận động của người bệnh;
- Yếu cơ, teo cơ, viêm gân, viêm bao hoạt dịch, viêm dây chằng, làm biến dạng xương, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tâm lý của người bệnh…;
Biện pháp chẩn đoán thoái hóa khớp vai
Để tiến hành chẩn đoán thoái hóa khớp vai, bác sĩ thường thực hiện theo 3 bước cơ bản sau:
Điều tra bệnh sử
- Tìm hiểu bệnh sử cá nhân của người bệnh và các thành viên trong gia đình (nếu cần);
- Tìm hiểu về tính chất công việc, các sinh hoạt hàng ngày;
- Tìm hiểu về các triệu chứng thường gặp, tần suất xuất hiện, mức độ đau nhức, kéo dài bao lâu hoặc yêu cầu bệnh nhân miêu tả chi tiết, cụ thể về hoàn cảnh bộc phát cơn đau;
Thăm khám lâm sàng
Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tổng quát và đánh giá bệnh thông qua các triệu chứng, dấu hiệu hiện tại như:
- Quan sát để phát hiện các bất thường tại khớp vai như lồi cục u, sưng đỏ, đau nhức khi chạm vào, có cảm giác ấm nóng…;
- Cơ vai bị yếu đi, gặp khó khăn khi cử động, kể cả khi có sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc người thân;
- Khi cử động phát ra âm thanh lạo xạo;
- Có các dấu hiệu của chấn thương trước đó tại hai bả vai;
Chẩn đoán hình ảnh
Sau đó, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Một vài xét nghiệm hình ảnh thường được áp dụng như:
- Chụp X quang: Hình ảnh X quang cho phép quan sát rõ các khoảng trống tại xương khớp vai, hình ảnh gai xương phát triển, không gian khớp…
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Cho phép quan sát chi tiết hình ảnh về cấu trúc xương, các thương tổn mô mềm của dây chằng, cơ, gân…
- Chụp cắt lớp vi tính CT scan: So với X quang, hình ảnh CT scan cho phép quan sát chi tiết hơn về cấu trúc và các tổn thương thoái hóa khớp vai.
Ngoài ra, nhằm loại trừ những vấn đề bệnh lý khác gây ra các triệu chứng tương tự tại khớp vai như gout, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp hay viêm cột sống dính khớp… Bác sĩ sẽ yêu cầu lấy dịch hoặc lượng máu nhất định để mang đi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm.
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp vai hiệu quả
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến nhất:
1. Điều trị tại nhà
Điều trị thoái hóa khớp vai bằng các biện pháp bảo tồn, không dùng thuốc và không can thiệp đến cơ thể luôn là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, biện pháp đơn giản nhất đó là:
- Chườm nóng/ lạnh: Chườm nóng có khả năng cải thiện cứng khớp, tăng phạm vi chuyển động và giảm đau. Chườm lạnh giúp giảm sưng đau tức thì. Mỗi ngày bạn nên chườm từ 2 – 3 lần, mỗi lần kéo dà 20 phút hoặc thực hiện trước khi đi ngủ.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi: Khớp vai hoạt động quá mức sẽ bị căng cứng và bị đau nhức. Lúc này, bạn nên thả lỏng hai vai, nằm xuống nghỉ ngơi và kết hợp thực hiện vài động tác vận động nhẹ nhàng để thư giãn khớp, duy trì chức năng hiệu quả.
- Từ bỏ các thói quen xấu: Tránh thực hiện các hoạt động đòi hỏi nhiều sức lực ở vai như mang vác vật nặng, các động tác như giật tay mạnh, xoay người đột ngột, ngủ nghiêng sang một bên quá lâu… để giảm áp lực cho vùng cơ gân tại vai, hạn chế tổn thương.
- Ăn uống đủ chất: Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như các loại vitamin, khoáng chất như omega-3, vitamin D, K, E, beta caroten, bioflovonoid… trong các loại rau xanh, củ quả, trái cây, thịt, cá…
HỮU ÍCH: Thoái Hóa Khớp Nên Ăn Gì, Kiêng Ăn Gì Giúp Giảm Đau, Nhanh Phục Hồi?
2. Điều trị bằng thuốc Tây
Điều trị thoái hóa khớp vai bằng thuốc Tây là giải pháp được ưu tiên hàng đầu nhằm kiểm soát các triệu chứng bệnh. Các loại thuốc trị thoái hóa khớp thường được bác sĩ chỉ định gồm:
- Thuốc giảm đau: Nhóm thuốc giảm đau thoái hóa khớp vai được chia làm nhiều loại tùy theo mục đích sử dụng, mức độ đau hay ít:
- Thuốc giảm đau tại chỗ: Thường được điều chế dưới dạng gel hoặc kem bôi ngoài da. Loại thuốc này thường ít gây tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc uống.
- Thuốc giảm đau NSAIDs: Đây là thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid, điển hình như ibuprofen, aspirin, naproxen… Nhóm thuốc này có tác dụng đẩy lùi cơn đau tạm thời và được chỉ định điều trị trong thời gian ngắn. Vì loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ lên đường tiêu hóa, hệ tim mạch nếu lạm dụng quá liều trong thời gian dài.
- Thuốc giảm đau NSAIDs chọn lọc COX-2: Đây được xem là phiên bản cải tiến từ nhóm thuốc NSAIDs truyền thống. Hiệu quả thuốc gần như tương đương nhưng tác dụng phụ lại ít hơn, an toàn hơn cho sức khỏe.
- Thuốc giãn cơ: Để cải thiện triệu chứng căng cứng cơ khớp vai, bác sĩ sẽ chỉ định dùng nhóm thuốc giãn cơ. Một vài loại thường dùng như Flexeril, Diazepam,…
- Thuốc tiêm: Chỉ định khi có triệu chứng thoái hóa nặng gây đau nhức dữ dội. Thuốc có khả năng giảm đau tức thì nhờ tác dụng bôi trơn khớp vai, như Hydrocortison, Diprospan, Depomedrol…
- Thuốc ức chế thần kinh: Một số trường hợp khác có thể được chỉ định sử dụng thuốc Gabapentin, vitamin liều cao nhằm cải thiện cơn đau nhức khó chịu.
3. Vật lý trị liệu
Điều trị thoái hóa khớp vai không chỉ tập trung vào giảm đau mà còn phải kết hợp cải thiện khả năng vận động, phạm vi chuyển động của khớp vai bằng các bài tập vật lý trị liệu.
Để đem lại hiệu quả cao, người bệnh nên tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn của chuyên gia, tập từ cơ bản đến nâng cao theo trình tự để tránh gây ra các bất thường về sức khỏe.
Một vài phương pháp vật lý trị liệu phổ biến như:
- Điện trị liệu: Các dòng điện sử dụng trong y học có tác dụng kích thích các cơ thần kinh bị căng cứng tại vị trí bị tổn thương để cải thiện các triệu chứng bệnh. Một số loại điện trị liệu như dùng xung điện, sóng ngắn, siêu âm, dòng Galvanic, dòng Faradic…
- Thủy sinh trị liệu: Đối với người bệnh thoái hóa khớp vai khi thực hiện giải pháp thủy sinh sẽ được ngâm bồn hoặc xông hơi. Phương pháp này còn được gọi là nhiệt trị liệu có tác dụng làm giãn cơ, kích thích quá trình lưu thông máu và cải thiện triệu chứng sưng viêm, đau nhức.
- Các bài tập cho vai: Một số bài tập chuyên biệt dành cho đôi vai giúp hỗ trợ tốt cho việc cải thiện đau nhức, ổn định cấu trúc khớp vai như: bài tập duỗi vai, aerobic, bài tập kéo căng cánh tay, xoay vai, co duỗi khớp vai, bài tập với gậy…
5. Sử dụng các loại thuốc Nam
Những người bị thoái hóa khớp vai mức độ nhẹ và không muốn sử dụng thuốc Tây để hạn chế tác dụng phụ có thể chọn dùng các loại thuốc Nam tự nhiên, lành tính với cơ thể. Dưới đây là một vài bài thuốc thảo dược phổ biến như:
- Ngải cứu: Có 2 cách dùng cơ bản như sau:
- Bài thuốc chườm: Dùng 1 nắm ngải cứu tươi, rửa sạch và sao nóng với muối hạt. Đổ hỗn hợp này vào tấm khăn mỏng, buộc chặt phần đầu và chườm lên vị trí khớp vai đau nhức. Kiên trì thực hiện 1 lần/ ngày vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.
- Bài thuốc uống: Rửa sạch 1 nắm ngải cứu tươi, rửa sạch, ngâm nước muối và để ráo nước. Cho vào máy xay sinh tố, vắt lấy nước cốt, thêm mật ong và uống hết trong ngày.
- Lá lốt: Chuẩn bị các nguyên liệu gồm: lá lốt, cỏ xước, rễ vòi voi và rễ bưởi bung mỗi loại 30g. Sao vàng các nguyên liệu rồi cho vào ấm sắc cùng 500ml nước, đợi đến khi nước cạn xuống còn 300ml thì tắt bếp. Phần thuốc thu được chia làm 3 phần uống hết trong ngày. Thời điểm tốt nhất là uống sau mỗi bữa ăn 30 phút.
- Cà tím: Dùng 1 quả cà tím rửa sạch, cắt khúc 0.5cm, cho vào nồi đun sôi lên khoảng 10 phút rồi tắt bếp. Đậy kín nắp và đợi cho nước nguội lại, lọc lấy nước, bỏ bã. Chia nước cà tím làm 4 phần, 3 phần uống 3 buổi sáng trưa tối trong ngày, phần còn lại trộn cùng một ít dầu ô liu để bôi lên khớp vai đau nhức trước khi đi ngủ.
Lưu ý: Phương pháp này chỉ phù hợp những trường hợp bị thoái hóa khớp vai nhẹ, triệu chứng vừa khởi phát chưa bao lâu. Ngược lại, những người bị thoái hóa nặng nên điều trị bằng các biện pháp y tế chuyên sâu theo chỉ định của bác sĩ.
6. Phẫu thuật thoái hóa khớp vai
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng được chỉ định áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa nặng, áp dụng tất cả các biện pháp trên không hiệu quả và không có khả năng phục hồi ,Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cân nhắc chọn lựa phương pháp phẫu thuật phù hợp như:
- Phẫu thuật thay khớp vai: Có thể thay bán phần hoặc thay toàn phần tùy theo mức độ tổn thương. Phương pháp này được chỉ định cho những trường hợp khớp vai biến dạng hoàn toàn nhằm duy trì chức năng vận động, ngăn chặn biến chứng tàn phế.
- Nội soi loại bỏ sụn khớp: Cắt bỏ phần sụn khớp bị tổn thương, loại bỏ các dị vật do sụn khớp bong ra. Nhờ đó cải thiện các triệu chứng đau nhức, căng cứng và phục hồi chức năng khớp vai.
Mặc dù phẫu thuật thoái hóa khớp đem lại hiệu quả điều trị cao nhưng tiềm ẩn biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh… Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
Biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp vai
Để phòng ngừa thoái hóa khớp vai cũng như góp phần cải thiện triệu chứng trong quá trình điều trị, bạn cần lưu ý thực hiện các biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tốt cho sức khỏe xương khớp, phòng ngừa thoái hóa bằng cách bổ sung đa dạng các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3, vitamin D, canxi…
- Duy trì cân nặng phù hợp, tránh thừa cân, béo phì.
- Rèn luyện thể chất, tập luyện thể thao đều đặn thường xuyên nhằm cải thiện sức khỏe xương khớp nói chung, ngăn ngừa thoái hóa và tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, phục hồi chức năng sau khi vận động hoặc lao động nặng nhọc. Ngừng các hoạt động khi cảm thấy khớp vai bị đau hoặc khó chịu.
- Ăn uống khoa học và kiểm soát lượng đường trong máu. Vì nồng độ glucose quá cao sẽ kích thích quá trình hình thành các phân tử làm cứng sụn và kích hoạt phản ứng viêm, giảm nguy cơ thoái hóa khớp.
Thoái hóa khớp vai là bệnh lý xương khớp có thể khắc phục được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, hãy chủ động thăm khám tại bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường hoặc thăm khám định kỳ để tầm soát bệnh lý và có hướng điều trị phù hợp.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Thoái Hoá Khớp Háng Do Đâu? Biện Pháp Điều Trị
- Dấu Hiệu Thoái Hóa Khớp Gối, Cách Điều Trị Và Bài Tập Phục Hồi
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!