Đau Lưng Ở Người Trẻ và Biện Pháp Chữa Trị, Phòng Ngừa

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đau lưng ở người trẻ thường là kết quả của những hoạt động/ làm việc gắng sức, sai tư thế… Cơn đau thường nhẹ, kèm theo cảm giác mỏi, thuyên giảm nhanh sau một thời gian nghỉ ngơi.

Nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ

Ở người lớn tuổi, nguyên nhân chính gây ra đau lưng là do yếu tố lão hóa tự nhiên của cơ thể gây ra cơ chế thoái hóa sinh hoạt. Còn riêng với người trẻ tuổi thì hầu hết đều là do xuất phát từ lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, tư thế làm việc, vận động sai cách… 

Cụ thể một số nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ tuổi như: 

Đau lưng ở người trẻ
Đau lưng ở người trẻ tuổi là căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại

1. Nguyên nhân chủ quan

Đây là nhóm nguyên nhân gây đau lưng phổ biến nhất, xuất phát từ những yếu tố quen thuộc như: 

  • Tính chất nghề nghiệp: Có đến 85% nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ tuổi đều có liên quan đến tính chất nghề nghiệp. Phổ biến nhất là nhân viên văn phòng phải ngồi làm việc liên tục từ 7 – 8 tiếng, lao động chân tay, làm sai tư thế và không có chế độ nghỉ ngơi phù hợp.
  • Chấn thương cột sống lưng: Những chấn thương bất ngờ là điều khó tránh khỏi trong đời sống hàng ngày như chấn thương trong quá trình tập luyện, chơi thể thao, tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông, tai nạn nghề nghiệp… Một số triệu chứng thường gặp là gãy, sưng viêm, đau nhức lưng và khó vận động. 
  • Lười vận động: Lười vận động, rèn luyện thể chất, bỏ qua các bài tập vùng bụng cũng là nguyên nhân hình thành tư thế xấu, gây áp lực cột sống và phát sinh đau nhức. Không những vậy, ít vận động còn làm giảm tuần hoàn máu đến những vùng bị tổn thương, tăng nguy cơ viêm và căng cơ bắp, càng khiến triệu chứng đau lưng nghiêm trọng hơn. 
  • Khuân vác vật nặng: Đau lưng dưới/ đau lưng trên là hậu quả của việc khuân vác vật nặng hoặc sai tư thế thường xuyên. Điều này thậm chí làm lệch vẹo cột sống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, khả năng sinh hoạt hàng ngày. 
  • Thừa cân béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa, vượt quá sức chịu đựng của cột sống khiến lưng bạn thường xuyên đau mỏi.
  • Nghiện thuốc lá: Đã có rất nhiều nghiên cứu về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, và đau lưng là một trong những hậu quả thường gặp nhất. Hoạt chất nicotine trong thuốc lá có khả năng ức chế quá trình lưu thông máu đến các đĩa đệm cột sống, tăng nguy cơ thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm và gây đau lưng. Thuốc lá cũng là nguyên nhân khiến cơ thể khó hấp thu canxi và vitamin D, ngăn cản quá trình phát triển xương, tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương và đau lưng. Ngoài ra, người hút thuốc lá nhiều rất dễ tổn thương phổi, gây ho nhiều và càng làm tăng mức độ đau lưng. 
  • Thiếu chất: Canxi và vitamin D là 2 dưỡng chất quan trọng không thể thiếu cho quá trình phát triển và hoạt động xương khớp. Nếu thiếu hụt các chất này sẽ khiến xương không đủ khỏe mạnh, thiếu độ bền chắc, dẻo dai và kém linh hoạt. Từ đó dễ bị đau lưng và nhiều triệu chứng liên quan khác khi thực hiện các hoạt động, sinh hoạt thường ngày. 
  • Bẩm sinh: Một số ít trường hợp bị đau lưng khi còn trẻ là do yếu tố bẩm sinh, từ khi chào đời đã có hệ xương cột sống suy yếu và dễ bị tác động hơn so với người bình thường. 
  • Thời tiết lạnh: Một số người trẻ tuổi thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe, không biết cách giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, ăn mặc phong phanh hoặc vô tình dính phải cơn mưa lạnh, ướt người không kịp lau khô, làm ấm cũng là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng. Trong y học cổ truyền, yếu tố này được gọi là nhiễm lạnh do khí huyết bị tắc trở, khó lưu thông và phát sinh cơn đau. 
  • Các thói quen xấu: Ngoài những yếu tố trên, người trẻ tuổi thường có xu hướng thường xuyên thực hiện các thói quen gây đau lưng sau:
    • Kê gối cao khi nằm ngủ; 
    • Sử dụng đệm quá mềm, độ nhún nhiều; 
    • Ngồi lâu một tư thế trong nhiều giờ liền; 
    • Ngồi vắt chéo chân;
    • Nữ giới thường xuyên mang giày cao gót; 
    • Mặc quần bó sát;
    • Thực hiện cử động xoay, ưỡn hoặc vặn người đột ngột;
    • ….

2. Nguyên nhân bệnh lý

Nếu đã loại trừ các nguyên nhân kể trên và không phát hiện sự liên quan, rất có thể trường hợp người trẻ bị đau lưng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý sau:

Đau lưng ở người trẻ
Người trẻ bị đau lưng nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý xương khớp, bệnh về thận…
  • Thoát vị đĩa đệm: Đây là hiện tượng đĩa đệm bị rách và tổn thương khiến nhân nhầy bên trong rò rỉ ra ngoài hoặc thoát hẳn ra khỏi vị trí ban đầu. Chúng chèn ép lên các rễ dây thần kinh xung quanh, gây các cơn đau nhức âm ỉ ở lưng, thậm chí đau dữ dội hơn khi người bệnh cử động, ho hoặc hắt hơi. 
  • Thoái hóa cột sống: Đây là tình trạng các sụn và xương dưới sụn bị bào mòn, thoái hóa khiến các đốt sống ma sát trực tiếp vào nhau khi cử động. Hậu quả là những cơn đau nhức liên tục, dồn dập hoặc có xu hướng tăng lên khi người bệnh hoạt động. 
  • Hẹp ống sống thắt lưng: Đây là tình trạng hẹp các ống sống do dây chằng dày lên hoặc gai xương nở rộng, làm nhỏ không gian di chuyển của các dây thần kinh và tủy sống. Người bị hẹp ống sống thắt lưng phải chịu những cơn đau lưng rất dữ dội, âm ỉ kéo dài và lan xuống mông, đùi, làm yếu 2 chi dưới. 
  • Gai cột sống: Dọc theo các đốt sống lưng mọc ra các gai xương, chúng cọ xát vào các bộ phận xung quanh khi người bệnh di chuyển và gây ra cảm giác đau nhức khó chịu. Cơn đau lưng trong trường hợp này thường bộc phát đột ngột, có thể lan nhanh sang các vùng khác dọc theo cột sống lưng. 
  • Viêm cột sống dính khớp: Điểm đặc trưng của bệnh lý này là sự vôi hóa cột sống và theo thời gian gây ra hiện tượng dính khớp khiến cột sống mất đi khả năng linh hoạt. Các triệu chứng sớm của bệnh là đau lưng, nhất là vào buổi tối hoặc sáng sớm sau khi ngủ dậy. 
  • Đau dây thần kinh tọa: Đây cũng là một trong những bệnh lý gây đau lưng phổ biến, kể cả ở người trẻ tuổi. Cơn đau chạy dọc từ tủy sống ở lưng dưới xuống hông và ra sau bàn chân. 

Khi nghi ngờ đau lưng là dấu hiệu bệnh lý, người bệnh cần chủ động thăm khám ngay để được chẩn đoán và tư vấn điều trị bằng các biện pháp phù hợp. 

Phương pháp chữa trị chứng đau lưng ở người trẻ tuổi

Vì các nguyên nhân gây đau lưng rất đa dạng nên dựa theo đó mà hướng điều trị trong từng trường hợp bệnh cũng khác nhau.

1. Áp dụng các biện pháp giảm đau lưng tại chỗ

Nếu chỉ đau lưng mức độ nhẹ, xuất phát từ nhóm nguyên nhân chủ quan (do sai tư thế, thói quen sinh hoạt kém…), tần suất xuất hiện ít chỉ cần áp dụng các biện pháp giảm đau đơn giản sau:

Chườm nóng/ chườm lạnh

Đây là 2 liệu pháp nhiệt giúp giảm nhanh cơn đau lưng và tình trạng sưng viêm tại vị trí lưng tổn thương hiệu quả nhanh chóng và không tác dụng phụ. Trong đó:

Đau lưng ở người trẻ
Chườm nóng giúp thư giãn cột sống, xoa dịu cơn đau lưng nhanh chóng
  • Chườm lạnh được áp dụng đối với các chấn thương, tổn thương phần mềm bị sưng viêm. Nhiệt lạnh giúp làm tê liệt vùng đau, co thắt các mạch máu và giảm lưu lượng máu đến vùng lưng đau nhức. Từ đó giảm tích tụ dịch viêm tại khu vực bị thương, giảm nhanh cơn đau, sưng viêm. 
  • Sau khi chườm lạnh 2 ngày bạn chuyển qua sử dụng các túi chườm nóng. Nhiệt nóng sẽ giúp làm thư giãn các cơ bắp, đốt sống bị co thắt và giảm đau. Đồng thời, kích thích tăng cường tuần hoàn máu mang dưỡng chất đến vị trí tổn thương, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng. 

Một lưu ý quan trọng khi thực hiện chườm đó là điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, tránh làm tổn thương da. Mỗi lần chườm chỉ dưới 20 phút, không nên chườm quá thời gian quy định tại một thời điểm. 

Massage, xoa bóp bấm huyệt

Một trong những giải pháp cải thiện cơn đau lưng ở người trẻ là xoa bóp bấm huyệt. Đây là phương pháp vừa có khả năng chữa bệnh vừa phòng bệnh, tăng cường sức khỏe thông qua việc sử dụng lực từ bàn tay, ngón tay, khuỷu tay… tác động lên các cơ, gân, khớp xương hoặc các huyệt vị nhất định. 

Đối với người trẻ bị đau lưng, xoa bóp bấm huyệt đem lại nhiều lợi ích như: 

  • Giảm đau lưng nhờ cơ chế tác động trực tiếp đến các thụ cảm thần kinh, kích thích phản xạ thần kinh, điều hòa chức năng nội tạng… 
  • Đối với trường hợp đau lưng do các chấn thương, tác động vật lý, xoa bóp bấm huyệt giúp đánh tan các ứ trệ, tích tụ tần hàn, tăng cường dinh dưỡng giúp phục hồi chấn thương nhanh chóng. 

Để đạt hiệu quả giảm đau lưng và chữa bệnh như ý muốn, bạn nên tìm đến những nơi xoa bóp bấm huyệt chuyên nghiệp. Vì những kỹ thuật này đòi hỏi chuyên môn cao, tỉ mỉ và chính xác.

HỮU ÍCH: Bấm Huyệt Chữa Đau Lưng Có Hiệu Quả Không?

Điều chỉnh tư thế hoạt động, thói quen sinh hoạt

Khi bùng phát cơn đau lưng cấp tính, người bệnh cần chú ý thực hiện các bước thay đổi tư thế cơ bản để giảm nhanh cơn đau:

Đau lưng ở người trẻ
Nằm nghỉ đúng tư thế giúp thư giãn lưng, cải thiện cơn đau hiệu quả
  • Dừng mọi hoạt động và nằm xuống nghỉ ngơi, hạn chế các cử động hay công việc nặng, tránh ngồi hoặc đứng nhiều, lâu; 
  • Nằm ngửa trong tư thế thả lỏng lưng thoải mái trên đệm có độ cứng vừa phải, không quá mềm, lót khăn mỏng dưới lưng. Hoặc nằm nghiêng, thẳng lưng với gối tựa phía sau và gối kẹp giữa 2 đầu gối; 
  • Khi nằm chú ý điều chỉnh tư thế đúng, đảm bảo đầu, vai, mông và gót chân chạm giường, duy trì đường cong sinh lý tự nhiên của cột sống;
  • Khi đứng dậy phải từ từ, không được gấp gáp, xoay người nhẹ nhàng sang một bên rồi nhấc hẳn người lên. 
  • Khi ngồi làm việc phải luôn giữ cho cột sống thẳng, nhất là ở những người làm việc trên máy tính quá lâu, thỉnh thoảng phải đứng dậy đi lại hoặc thực hiện các động tác nghiêng mình, xoay lưng để cột sống được vận động, hạn chế đau lưng. 
  • Giữ ấm kỹ khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là vùng lưng. Ngoài ra, phải lau khô người nếu bị ướt mưa, sau đó tắm nước ấm để loại bỏ khí lạnh xâm nhập sâu vào trong cơ thể.

ĐỌC NGAY: Hướng Dẫn Tư Thế Ngồi Và Nằm Ngủ Cho Người Thoát Vị Đĩa Đệm

Giảm đau bằng thảo dược

Một trong những biện pháp giảm đau lưng ở người trẻ khá phổ biến đó là các bài thuốc dân gian. Cách này được ưa chuộng bởi tính an toàn, ít tác dụng phụ và gần như lành tính với cơ thể người bệnh do sử dụng các loại thảo dược tự nhiên. 

  • Ngải cứu: Dùng một nắm ngải cứu tươi, rửa sạch, để ráo nước rồi mang đi sao nóng với muối hột. Đổ ra miếng vải, buộc chặt đầu rồi chườm vào vị trí lưng đau nhức. Thực hiện trong vòng 1 tuần liên tục sẽ cảm nhận sự thuyên giảm rõ rệt của cơn đau. 
  • Lá lốt: Tương tự ngải cứu, lá lốt là thảo dược chứa các hoạt chất giảm đau tự nhiên rất tốt cho việc cải thiện tình trạng đau lưng. Lá lốt rửa sạch, giã nhỏ rồi cho vào chảo rang nóng cùng muối hột. Đổ ra miếng vải mỏng, túm chặt đầu rồi chườm vùng lưng đau. 
  • Lá đinh lăng: Dùng lá đinh lang sắc lấy nước uống giảm đau lưng là bài thuốc dân gian khá hiệu quả. Mỗi ngày uống 2 lần khi nước còn nóng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý: Các bài thuốc dân gian chỉ phù hợp với trường hợp người trẻ bị đau lưng nhẹ. Không hiệu quả với mức độ bệnh nặng nên tuyệt đối không thay thế hoàn toàn các biện pháp y tế do bác sĩ chỉ định.  

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là giải pháp được chỉ định thực hiện kết hợp song song với dùng thuốc nhằm thúc đẩy chữa lành tổn thương và phục hồi chức năng vận động.

Đau lưng ở người trẻ
Các bài tập vật lý trị liệu giúp kéo giãn, giải phóng chèn ép giảm đau lưng và phục hồi chức năng cột sống
  • Vật lý trị liệu chủ động: Chủ yếu là các bài tập làm căng giãn, kéo cơ giúp giúp giảm đau và cải thiện tình trạng sức khỏe. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ thiết kế liệu trình tập riêng sao cho phù hợp.
  • Vật lý trị liệu bị động: Sử dụng các thiết bị hiện đại có khả năng kéo giãn, giải phóng chèn ép trên các dây thần kinh cột sống và giảm đau hiệu quả. Đồng thời, kích thích tăng cường tuần hoàn máu, mang dưỡng chất đến mô cơ bị tổn thương nhằm mục đích tái tạo, phục hồi bình thường. Tạo điều kiện cho quá trình nắn chỉnh xương cột sống dễ dàng hơn. Một số thiết bị thường dùng như điện trị liệu, tia laser, máy kéo giãn giảm áp cột sống…

3. Điều trị bằng thuốc

Những cơn đau dữ dội khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh hoạt hàng ngày. Trong trường hợp này giảm đau lưng bằng các loại thuốc Tây là điều cần thiết nhằm chấm dứt cơn đau nhanh chóng. 

Một số loại thuốc trị đau lưng phổ biến như: 

  • Thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol, Aspirin, Neurontin… giúp giảm đau lưng nhanh. 
  • Thuốc chống viêm không steroid NSAID như Ibuprofen, Ketoprofen, Naproxen, Meloxicam,… với công dụng chính là kháng viêm, hỗ trợ giảm đau. Có thể dùng dưới dạng bôi hoặc tiêm đều được. 
  • Thuốc giảm đau kê đơn dùng cho những trường hợp đau lưng nặng như thuốc giảm đau gây nghiện Opioid, thuốc giảm đau thần kinh. Hoặc có thể kết hợp thêm thuốc giãn cơ. 
  • Tiêm corticoid nếu cần thiết để giảm đau nhanh hơn trong những trường hợp đau lưng dữ dội, không đáp ứng với các loại thuốc uống. 
  • Bổ sung thêm một số loại vitamin tốt cho thần kinh hỗ trợ giảm đau lưng như vitamin B1, B6, B12… Chúng có khả năng kích thích sản sinh máu huyết, chuyển hóa nguồn năng lượng tốt cho hệ xương khớp. 
Đau lưng ở người trẻ
Thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ… là những loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị đau lưng

Lưu ý: Để dùng thuốc có hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định sử dụng của bác sĩ. Tránh tự ý tăng giảm liều hoặc lạm dụng trong thời gian dài.

ĐỪNG BỎ LỠ: 10 Thuốc Chữa Đau Lưng Của Nhật Bản Cho Hiệu Quả Cao

4. Điều trị ngoại khoa

Rất hiếm khi người trẻ tuổi bị đau lưng phải can thiệp ngoại khoa để điều trị bệnh. Đây là giải pháp cuối cùng được chỉ định trong các trường hợp đặc biệt, đau lưng do các bệnh lý cột sống nghiêm trọng, có biến chứng và đe dọa khả năng vận động của bệnh nhân. Chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm nặng, có u bướu vùng cột sống, chấn thương lệch vẹo xương cột sống… 

Mục đích của việc phẫu thuật vùng lưng đau nhức còn tùy theo nguyên nhân, tính chất tổn thương. Chẳng hạn như:

  • Mổ cấp cứu hoặc giải phóng chèn ép các dây thần kinh
  • Chỉnh sửa lại trục cột sống
  • Nội soi cột sống lấy bỏ thoát vị…

Chỉ được phép phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện lớn, có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và có đủ trang thiết bị máy móc. 

Biện pháp phòng ngừa đau lưng ở người trẻ tuổi

Đau lưng là triệu chứng dễ xảy ra, nhưng nếu biết cách bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được chỉ với 3 giải pháp cơ bản sau: 

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Để tạo một nếp sống khoa học, phòng ngừa đau lưng trước tiên bạn cần loại bỏ hết các thói quen xấu và thiết lập lại những thói quen tốt như:

Đau lưng ở người trẻ
Ngồi làm việc trong tư thế thẳng lưng và đứng dậy đi lại thường xuyên để tăng tuần hoàn máu, cải thiện đau lưng
  • Khi ngồi ghế làm việc phải thẳng lưng, hai chân chạm đất sao cho bắp đùi và cẳng chân tạo thành góc vuông. 
  • Điều chỉnh độ cao ghế, màn hình sao cho vừa tầm sử dụng, hạn chế các động tác rướn người, gồng lưng dễ gây đau mỏi, căng cơ
  • Sau 45 phút đến 1 tiếng làm việc, hãy đứng dậy đi lại vài phút để thư giãn lưng. 
  • Thay mới đệm nằm nếu đã quá 10 năm sử dụng, ưu tiên chọn nệm không quá cứng cũng không quá mềm. 
  • Hạn chế mang giày cao gót hay mặc quần áo quá bó sát. 
  • Khi nằm ngủ không nên kê gối quá cao, tránh vừa nằm vừa xem điện thoại, đọc sách…
  • Tư thế ngủ tốt nhất là nằm ngửa hoặc nằm nghiêng và phải thay đổi thường xuyên. 
  • Giường phải rộng rãi để ngủ thoải mái, tránh bày nhiều đồ đạc trên giường vì dễ gây cộm cấn lưng gây đau nhức sau khi ngủ dậy. 
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu bia hoặc các chất kích thích khác để giảm nguy cơ đau lưng.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Dinh dưỡng là yếu tố tiền đề cho mọi hoạt động sống trong cơ thể. Và để có sức khỏe tốt, nhất là hệ xương khớp bạn cần tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm sau:

  • Các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D cùng các loại vitamin, khoáng chất khác trong rau xanh, củ quả, trái cây tươi, đa dạng các loại thịt, cá, trứng, sữa, hạt, ngũ cốc… lành mạnh để giảm nguy cơ đau lưng, nâng cao sức khỏe xương. 
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm chế biến nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp chứa chất bảo quản, rượu bia, cà phê… 
  • Ăn uống vừa đủ, không thừa không thiếu chất để duy trì cân nặng phù hợp. 

Tạo thói quen rèn luyện thể chất

Tập luyện thể thao thường xuyên cũng là giải pháp tốt giúp phòng ngừa hiệu quả chứng đau lưng ở người trẻ. 

Đau lưng ở người trẻ
Tập yoga đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức khỏe xương khớp và nâng cao sức đề kháng
  • Bắt đầu rèn luyện thể chất bằng những bài tập yoga đơn giản tại nhà, sau đó tăng dần mức độ bằng các bộ môn ngoài trời như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe… 
  • Đảm bảo việc tập luyện đúng cách, đúng tư thế nhằm đạt hiệu quả tác động tích cực đến cột sống lưng, phòng ngừa các cơn đau. 
  • Tốt nhất nên tập luyện theo sự chỉ dẫn của chuyên gia hoặc hướng dẫn viên để tránh các rủi ro chấn thương. 

Đau lưng ở người trẻ tuổi là tình trạng dễ mắc nhưng cũng không khó để cải thiện, phòng ngừa. Chỉ cần một lối sống khoa học, lành mạnh và ý thức được tầm quan trọng của cột sống lưng sẽ giúp bạn có một hệ xương khớp khỏe mạnh. 

THAM KHẢO THÊM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger