Căng Cơ Thắt Lưng Là Gì? Nguyên Nhân và Hướng Điều Trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Căng cơ thắt lưng là tình trạng cơ, gân, dây chằng vùng thắt lưng bị rách, kéo căng dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng. Tình trạng này thường gây ra những cơn đau lưng dữ dội, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và khả năng vận động của người bệnh. 

Căng cơ thắt lưng là bệnh gì? 

Căng cơ thắt lưng là thuật ngữ chỉ tình trạng căng thẳng quá mức xảy ra ở các cơ lưng. Điều này không chỉ gây đau nhức mà còn tạo cảm giác co thắt, khiến cột sống, cơ bắp dần suy yếu và kém ổn định.

Căng cơ thắt lưng
Căng cơ thắt lưng là hiện tượng các gân cơ, dây chằng bị tổn thương và phát sinh đau nhức

Tình trạng căng cơ thắt lưng chủ yếu ảnh hưởng đến vùng cơ vuông thắt lưng hoặc cơ thắt lưng dưới, cơ lưng bên trái hoặc bên phải. Các chuyên gia cho biết, những cơn căng cơ cấp không quá nguy hiểm và có thể tự thuyên giảm sau vài ngày chăm sóc.

Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan lơ là, tiếp tục thực hiện các hoạt động quá sức, sai tư thế sẽ khiến các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí có nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm khác. 

Nguyên nhân gây căng cơ thắt lưng

Có nhiều nguyên nhân gây căng cơ thắt lưng, có thể xuất phát từ các chấn thương vật lý hoặc là dấu hiệu nhận biết của các bệnh lý về cột sống. Cụ thể như:

1. Các yếu tố nguy cơ

Cơ, dây chằng thắt lưng bị chấn thương, kéo giãn quá mức dẫn đến căng cơ lưng. Điều này phổ biến khi có những yếu tố sau:

  • Các tai nạn, chấn thương, tác động vật lý mạnh trực tiếp hoặc gián tiếp lên vùng thắt lưng; 
  • Lười vận động, thường xuyên ngồi yên một chỗ, ngồi lệch 1 bên, duy trì 1 tư thế trong thời gian dài; 
  • Khuân vác vật nặng sai tư thế, chơi thể thao quá sức, ngủ vặn mình…
  • Các yếu tố nguy cơ khác như thừa cân, béo phì, nghiện thuốc lá, phụ nữ mang thai, lão hóa ở người cao tuổi… cũng là những nguyên nhân gây căng cơ thắt lưng. 

2. Các bệnh lý gây căng cơ thắt lưng

Căng cơ thắt lưng là dấu hiệu nhận biết của rất nhiều bệnh lý sau:

Các bệnh về cột sống, đĩa đệm

Triệu chứng đau nhức, căng cơ thắt lưng kéo dài là một trong những dấu hiệu đặc trưng của các bệnh về cột sống, đĩa đệm như:

Căng cơ thắt lưng
Căng cơ thắt lưng là một trong những dấu hiệu của các bệnh lý về cột sống, đĩa đệm

Các bệnh phụ khoa, nam khoa

Hiện tượng căng cơ thắt lưng ở từng đối tượng nam, nữ riêng biệt và đi kèm với một số triệu chứng liên quan thường là dấu hiệu của:

Đối với nữ giới

  • Lạc nội mạc tử cung: Đây là bệnh lý mãn tính với các tế bào giống với mô niêm mạc tử cung xuất hiện bên ngoài tử cung. Căn bệnh này rất phổ biến ở nữ giới, có thể điều trị được bằng liệu pháp nội tiết tố (dùng thuốc tránh thai liều thấp) hoặc phẫu thuật nội soi loại bỏ khối u.
  • Dấu hiệu mang thai hoặc mang thai ngoài tử cung:
    • Đối với tình trạng căng cơ thắt lưng trong thai kỳ, đây là triệu chứng thường gặp ở tam cá nguyệt thứ 2 và 3 do liên quan đến sự phát triển của thai nhi. Em bé càng lớn càng khiến cột sống chịu nhiều áp lực và phát sinh những cơn đau, căng cứng vùng thắt lưng. Hoặc cơ thể tiết ra hormne relaxin có khả năng làm nới lỏng dây chằng chuẩn bị cho việc sinh con. 
    • Ngược lại, tình trạng căng cơ thắt lưng trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể là dấu hiệu của sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung. Lúc này, chị em ngoài bị đau nhức dữ dội vùng thắt lưng, bụng mà còn kèm theo chuột rút, tê bì chân cùng nhiều dấu hiệu nguy hiểm khác.

XEM THÊM: Đau Lưng Khi Đến Tháng Và Cách Khắc Phục Nhanh

Đối với nam giới

Ở nam giới, tình trạng căng cơ thắt lưng kèm theo đau nhức từng cơn, nhất là vùng lưng phải rất có thể là dấu hiệu của các bệnh về tinh hoàn. Điển hình như giãn mạch thừng tinh, xoắn tinh hoàn… Lúc này, lượng máu lưu thông đến tinh hoàn giảm đi nghiêm trọng gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng khó lường.

Do đó cần phải được cấp cứu ngay để cung cấp lượng máu cần thiết hoặc phẫu thuật để phục hồi, bảo tồn chức năng tinh hoàn. 

Triệu chứng của bệnh căng cơ thắt lưng

Người bị căng cơ thắt lưng thường phải đối mặt với các dấu hiệu như:

Căng cơ thắt lưng
Bị căng cơ thắt lưng thường gây cảm giác đau nhức âm ỉ, tê bì khó chịu khiến vận động khó khăn
  • Đau âm ỉ vùng thắt lưng, có thể kèm theo cảm giác tê bì, ngứa ran và nóng do các kích thích tại các rễ dây thần kinh; 
  • Cơn đau thường bắt nguồn từ vùng thắt lưng, có thể lan dần xuống hông, mông hoặc hai chân; 
  • Thời điểm bị đau nhức do căng cơ thắt lưng thường xuyên nhất là buổi sáng sau khi ngủ dậy, trước khi rời khỏi giường hoặc sau khi làm việc nặng; 
  • Cơn đau càng nghiêm trọng hơn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc uốn duỗi lưng; 
  • Lưng co rút dữ dội làm hạn chế khả năng vận động, khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lại, sinh hoạt; 

Phương pháp điều trị căng cơ thắt lưng hiệu quả

Trước khi được xây dựng phác đồ điều phù hợp với từng trường hợp bệnh cụ thể, người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng, chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây căng cơ thắt lưng. Đồng thời đánh giá mức độ nặng hay nhẹ cùng các triệu chứng liên quan. 

Để chẩn đoán căng cơ thắt lưng, bác sĩ thường chỉ định thực hiện các biện pháp như chụp X quang, chụp cộng hưởng từ MRi hoặc chụp cắt lớp vi tính CT scan… Dựa vào kết quả chẩn đoán, phác đồ cụ thể sẽ được xây dựng.

Nguyên tắc chữa trị chủ yếu nhằm mục đích cải thiện đau nhức, kiểm soát các triệu chứng liên quan, phục hồi và bảo tồn chức năng cột sống tối đa, duy trì khả năng vận động của bệnh nhân. Dưới đây là một số cách chữa căng cơ thắt lưng hiệu quả: 

1. Gợi ý 7 cách giảm căng cơ thắt lưng 

Giảm đau là việc đầu tiên cần làm ngay khi các triệu chứng căng cơ thắt lưng bộc phát. Tùy theo mức độ đau mà áp dụng các biện pháp giảm đau phù hợp, điển hình như:

Nằm nghỉ ngơi

Khi cơn đau ập đến đột ngột, người bệnh hãy dừng mọi hoạt động và nằm ngửa xuống giường hoặc một mặt phẳng nào đó để nghỉ ngơi, thư giãn. Điều chỉnh tư thế nằm phù hợp sao cho đầu, vai, mông và gót chân thẳng hàng, chạm xuống giường. 

Một mẹo nhỏ là hãy kê một chiếc gối nhỏ, mềm ở dưới thắt lưng để giảm áp lực đè ép lên các cơ, mạch máu, đem lại hiệu quả giảm đau tốt hơn. 

Massage trị liệu

Liệu pháp massage cổ truyền là biện pháp giảm căng cơ thắt lưng, giảm đau lưng hiệu quả được Tổ chức Y tế thế giới chính thức công nhận. Không những vậy, các kỹ thuật massage như xoa, day, ấn, miết, chà xát, đấm, bấm, phát… còn đem lại nhiều lợi ích khác như:

  • Tăng cường sức mạnh của hệ thống cơ, dây chằng, cơ bắp, cột sống…;
  • Kích thích khả năng tiết chất nhờn tại vùng cơ thắt lưng đau nhức, cải thiện tình trạng khô khớp, cứng khớp để cột sống linh hoạt, tăng khả năng chịu lực;
  • Thúc đẩy quá trình lưu thông máu, tăng cường mang dưỡng chất đến vị trí thắt lưng đau nhức để nuôi dưỡng đĩa đệm, cột sống thắt lưng;

Gợi ý một số bài massage giảm đau và giảm căng cơ thắt lưng hiệu quả như: 

Bài massage thắt lưng cơ bản

Căng cơ thắt lưng
Trị liệu massage thắt lưng là giải pháp cải thiện triệu chứng hiệu quả mà không cần dùng thuốc

Bước 1: Massage giãn cơ 

  • Dùng mu bàn tay ấn xuống da và di chuyển tay theo hình tròn dọc cột sống thắt lưng đến mông khoảng 3 lần; 
  • Dùng các khớp ngón tay, khớp cổ tay và ấn lên các vùng thịt trên lưng 3 lần; 
  • Dùng hai tay vừa xoa bóp vừa kéo thịt ở hai bên cột sống thắt lưng 3 lần; 

Bước 2: Massage vùng thắt lưng tổn thương

  • Dùng tay day, ấn các huyệt đạo thận du, cách du và đại trường du theo chiều kim đồng hồ khoảng 3 lần; 
  • Dùng ngón cái bấm vào các huyệt với lực đạo tăng dần cho đến khi xuất hiện cảm giác căng tức khoảng 1 phút, sau đó ngưng lại rồi thực hiện tiếp tục;
  • Xác định vị trí đốt sống đau nhức, dùng ngón tay cái day và ấn tại vùng này liên tục khoảng 3 – 5 phút. 

Bài massage thắt lưng bằng bóng tennis

Hướng dẫn cách thực hiện:

  • Nằm ngửa trên thảm tập, co đầu gối lại và dùng lực nâng lưng lên để đặt 2 quả bóng tennis xuống dưới vùng thắt lưng; 
  • Giữ yên tư thế này trong vòng 60 giây; 
  • Sau đó bạn có thể điều chỉnh thay đổi tư thế đặt bóng bằng cách di chuyển cơ thể để bóng tennis tác động đến nhiều nhóm cơ trên cơ thể; 
  • Lưu ý tránh đặt bóng trực tiếp tại vùng cột sống thắt lưng đau nhức để tránh làm tăng nặng tổn thương. 

Bài massage bằng khăn ấm

Nhiệt nóng tỏa ra từ chiếc khăn thẩm thấu sâu vào cột sống giúp làm giãn cơ và giảm đau thắt lưng nhanh chóng. 

  • Dùng một chiếc khăn sạch, nhúng vào trong thau nước nóng và xoắn lại để vắt khô; 
  • Áp khăn vào thắt lưng rồi kéo qua kéo lại, nếu khăn nguội lạnh hãy nhúng tiếp vào nước nóng rồi tiếp tục chườm; 
  • Thực hiện cho đến khi cơn đau thuyên giảm và kiên trì áp dụng để kéo dài hiệu quả lâu hơn. 

Lưu ý, các bài massage giảm căng cơ thắt lưng chỉ có tác dụng với những trường hợp đau ở mức độ nhẹ. Không nên lạm dụng liệu pháp này hoặc thay thế với các biện pháp điều trị khác để tránh gây ra các biến chứng khó lường. 

Chườm lạnh/ chườm nóng

Đây là hai liệu pháp giúp cải thiện các triệu chứng căng cơ thắt lưng hiệu quả. Trong đó, chườm lạnh giúp làm co các mạch máu, tê liệt cơn đau và giảm viêm. Sau đó hãy chườm nóng để tăng cường tuần hoàn máu, làm thư giãn các nhóm cơ bị căng cứng và giảm đau nhanh chóng. 

Các chuyên gia khuyến cáo nên chườm 20 phút và nghỉ ngơi 20 phút. Lưu ý đối với những người mắc bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường hoặc bệnh lý liên quan cần tránh thực hiện liệu pháp này để tránh các tổn thương nghiêm trọng hơn. 

Giảm căng thẳng

Căng thẳng, stress là một trong những yếu tố gây kích thích co thắt, căng cơ thắt lưng và đau lưng kéo dài. Lúc này, hãy loại bỏ stress bằng cách áp dụng các biện pháp thư giãn như: 

  • Hít thở sâu
  • Tập yoga
  • Ngồi thiền
  • Đọc sách, nghe nhạc không lời

Trong đó, thiền định là giải pháp giảm căng cơ thắt lưng hiệu quả và duy trì tinh thần ổn định, thư giãn thoải mái. 

ĐỌC NGAY: Gợi Ý 7 Bài Tập Yoga Chữa Đau Lưng Hiệu Quả, Đơn Giản Tại Nhà

Thực hiện các bài tập giãn cơ

Để cải thiện cơn đau căng cơ thắt lưng bạn cần tập trung thực hiện những bài tập giãn cơ lưng. Chỉ cần tập luyện đúng cách, đều đặn thường xuyên sẽ giúp kích thích cơ chế tự phục hồi thương tổn và cải thiện khả năng vận động của vùng cơ lưng. Đồng thời tăng độ nhạy cảm của các dây thần kinh cũng như tăng khả năng kiểm soát các hoạt động tại bộ phận này. 

Căng cơ thắt lưng
Tự tập luyện tại nhà bằng các động tác cơ bản giúp hỗ trợ giãn cơ, xoa dịu cơn đau hiệu quả

Dưới đây là gợi ý một số bài tập giảm đau, giảm căng cơ thắt lưng bạn có thể tham khảo thực hiện:

Bài tập ngồi duỗi chân thẳng về phía trước

Hướng dẫn thực hiện:

  • Đứng thẳng lưng trên thảm tập, đưa 2 tay vượt qua khỏi đầu sao cho 2 lòng bàn tay hướng vào nhau; 
  • Gập người xuống, đặt khuỷu tay lên bàn chân và bám tay vào lòng bàn chân; 
  • Áp sát bụng vào đùi sao cho cằm và trán chạm vào đầu gối;
  • Giữ yên động tác này trong vòng 1 phút rồi thả lỏng, trở về tư thế ban đầu và lặp lại khoảng 10 lần. 

Bài tập gập người chéo chân

Hướng dẫn thực hiện:

  • Ngồi xếp bằng trên thảm tập, đưa hai tay lên cao hết cỡ sao cho cột sống được kéo giãn hết mức; 
  • Nghiêng người tạo thành một góc 45 độ, giữ cho lưng thẳng, đặt tay xuống đất và kéo tay về phía trước;
  • Càng kéo tay xa thì càng kéo giãn lưng hông nhiều, cố gắng siết chặt vùng này;
  • Giữ yên trong vòng 1 phút rồi thả lỏng, trở về tư thế ban đầu và lặp lại khoảng 10 lần. 

Đeo dụng cụ hỗ trợ giảm đau lưng

Để cố định vùng thắt lưng bị tổn thương và hỗ trợ điều chỉnh tư thế trong lúc thực hiện các hoạt động hàng ngày, người bệnh có thể sử dụng đeo đai nịt lưng. Đây là dụng cụ được thiết kế chuyên biệt với nhiều kích thước khác nhau, phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng người bệnh. 

Nếu không biết sử dụng loại đai nịt lưng nào, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn dòng sản phẩm và tần suất sử dụng phù hợp. 

Dùng thuốc giảm đau không kê đơn

Một cách giảm đau căng cơ thắt lưng hiệu quả, nhanh chóng được nhiều người bệnh áp dụng đó là dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Chẳng hạn như paracetamol, acetaminophen…

Tuy đem lại hiệu quả cao, nhanh chóng tức thì nhưng tác dụng phụ của thuốc giảm đau cũng rất lớn. Vì vậy, tốt nhất người bệnh cần thực hiện theo chỉ định của dược sĩ hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Tránh lạm dụng để hạn chế tác dụng phụ.

XEM THÊM: Top 10 Miếng Dán Đau Lưng Hỗ Trợ Giảm Đau Nhanh

2. Can thiệp điều trị y tế 

Nếu áp dụng các biện pháp bảo tồn vừa kể trên không hiệu quả, người bệnh cần chủ động thăm khám tại bệnh viện để thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị y tế hiệu quả. Chẳng hạn như:

Dùng thuốc tân dược

Điều trị nội khoa căng cơ thắt lưng bằng các loại thuốc như:

Căng cơ thắt lưng
Người bị căng cơ thắt lưng thường được kê đơn các loại thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ… để kiểm soát triệu chứng
  • Các loại thuốc giảm đau kê đơn như thuốc chống viêm NSAIDs (như ibuprofen, ketoprofen, naproxen), thuốc giảm đau gây nghiện opioid… đối với những trường hợp căng cơ, đau nhức thắt lưng dữ dội. 
  • Nhóm thuốc giãn cơ thắt lưng như: Điển hình như Mephennesin, Baclofen, Tizannidine, Chlorzoxazone, Carisoprodol… có tác dụng ức chế các hoạt động thần kinh diễn ra trong tủy sống, từ đó giảm tình trạng co cứng khớp, biên độ và tần số co cơ, thư giãn cơ bắp. Dùng thuốc này phải tuân thủ tuyệt đối liều dùng của bác sĩ, tránh lạm dụng để hạn chế tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe. 

Vật lý trị liệu

Dùng thuốc kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu đem lại kết quả hỗ trợ điều trị căng cơ thắt lưng hiệu quả. Liệu pháp này có tác dụng giải phóng áp lực chèn ép lên dây thần kinh, giảm đau nhức, cải thiện cảm giác căng cơ thắt lưng khó chịu. Đồng thời, vật lý trị liệu còn giúp phục hồi chức năng cơ khớp thắt lưng và cải thiện khả năng đứng, ngồi, di chuyển, giữ thăng bằng… 

Người bệnh có thể thực hiện các bài tập vật lý trị liệu cơ bản hoặc nhờ sự hỗ trợ củ các máy móc thiết bị hiện đại như: tia laser, sóng xung kích, điện xung, siêu âm, nắn hoặc xoa bóp bằng tay… 

Can thiệp phẫu thuật

Trong những trường hợp bị căng cơ thắt lưng nghiêm trọng và không đem lại hiệu quả khi áp dụng các biện pháp bảo tồn khác sẽ được cân nhắc chỉ định điều trị ngoại khoa. 

Tùy theo từng trường hợp bệnh lý khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp, có thể là phẫu thuật sửa chữa, loại bỏ hoặc thay thế đốt sống thắt lưng bị căng cứng, đau nhức.

Không phải trường hợp nào cũng có thể phẫu thuật, chỉ được thực hiện khi người bệnh đáp ứng đủ các điều kiện về thể trạng sức khỏe. 

Hướng dẫn cách phòng ngừa tái phát căng cơ thắt lưng

Bên cạnh tuân thủ các biện pháp điều trị, bản thân người bệnh cũng cần chủ động thực hiện lối sống khoa học để phòng ngừa tái phát bệnh trở lại.

Về chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống cho người bị căng cơ thắt lưng nói riêng và mắc các bệnh xương khớp nói chung cần đảm bảo bổ sung đầy đủ, đa dạng các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các dưỡng chất cần thiết khác cho cơ thể.

Nguyên tắc chính là thực hiện khẩu phần ăn giảm cân. Ngược lại những người gầy yếu cần ăn nhiều bữa hơn, mỗi bữa một ít để tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng. 

Căng cơ thắt lưng
Duy trì chế độ dinh dưỡng và thói quen dinh dưỡng khoa học là giải pháp phòng ngừa căng cơ thắt lưng tốt nhất
  • Nhóm thực phẩm giàu omega-3, hoạt chất này có tác dụng chống viêm, tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất của xương khớp và nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật. Các loại thực phẩm tốt như các loại cá béo (cá ngừ, cá hồi, cá bơn, cá thu, cá mòi…), quả óc chó, các loại dầu thực vật như (dầu hạt cải, dầu hạt lanh…)…
  • Các loại rau xanh, củ quả, trái cây giàu vitamin khoáng chất, các loại ngũ cốc, trà xanh, các loại thảo dược tự nhiên, trà xanh… giàu chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe xương khớp. 
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đường, muối, các chất kích thích hoặc bột mì để tránh làm tăng năng các triệu chứng căng cơ thắt lưng. 

Về chế độ sinh hoạt

  • Duy trì tư thế đứng, ngồi hoặc làm việc phù hợp là một cách giảm đau lưng và phòng ngừa căng cơ thắt lưng hiệu quả. 
  • Thực hiện các biện pháp giảm cân lành mạnh, an toàn trong trường hợp đau nhức có dấu hiệu thừa cân, béo phì. 
  • Tập luyện đều đặn hàng ngày với các động tác cơ bản hoặc các môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga… vừa giúp cải thiện sức khỏe xương khớp vừa tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật. 
  • Điều chỉnh tư thế ngồi, đứng, nằm, mang vác vật nặng đúng tư thế. Tránh các tư thế tạo áp lực lên cột sống. 
  • Thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc định kỳ khám tổng quát để sớm phát hiện các bất thường và có hướng điều trị kịp thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. 

Căng cơ thắt lưng là hiện tượng xảy ra phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Hầu hết các trường hợp mắc phải đều là do sai tư thế khi vận động hoặc ngủ nghỉ và có thể được cải thiện bằng những biện pháp tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên quá chủ quan, cần thăm khám sớm nếu có triệu chứng nặng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger